Wednesday, August 7, 2024

Trả Lại Thiên Nhiên Cho Thiên Nhiên Tiến bộ khoa học cùng với việc phát minh nhiều công nghệ mới trong thời gian gần đây đã cho ra đời nhiều ứng dụng hầu thỏa mãn nhu cầu mà con người cần đến hay nghĩ đến. Con người ngày càng say mê trong những khám phá mới, tìm thêm nhu cầu mới dù cần thiết hay không cần thiết cho cuộc sống. Cuộc chạy đua do chính con người đặt ra có vẽ như không có điểm đến! Và hơn nữa, cuộc đua nầy càng kích thích thêm tham vọng ngự trị của con người, làm tăng thêm ngã vọng đến một mức độ khó kềm chế được trong cuộc chinh phục thiên nhiên. Với khả năng khoa học hiện có, con người hầu như làm chủ thiên nhiên trong việc chế tạo các sản phẩm mới để phục vụ cho nhu cầu của nhân loại. Đôi khi những nhu cầu đó hoàn toàn không cần thiết. Con người ngày càng xử dụng nhiều hóa chất khác nhau để kiến tạo ra những sản phẩm tổng hợp theo ý muốn hay theo nhu cầu và dĩ nhiên trong hóa trình tổng hợp hay phản ứng đã sinh ra một số sản phẩm phụ không cần thiết (chất phế thải). Chính những chất sau nầy trở thành những vấn nạn cho đời sống con người do đó con người bị bắt buộc phải giải quyết hay thanh lọc... Như vậy, vấn đề Sinh (sản xuất ra sản phẩm mới) và Diệt (thanh lọc các sản phẩm phụ, không cần thiết hay độc hại) là một hiện tượng tuần hoàn, xoay dần liên tục trong đời sống con người. Con người khai triển trí thông minh để cố tạo ra nhu cầu mới thì cần phải nặn óc nhiều hơn để thanh toán các phế phẩm độc hại. Và nếu nói theo tinh thần Phật giáo, con người càng chạy theo cái NGÃ của mình thì phải gánh thêm NGHIỆP càng nặng. 1- Trái đất và Thiên nhiên Vạn vật đã tự sắp xếp theo một thứ tự nào đó của thiên nhiên. Từ ngàn năm trước nếu nhìn lại, khi khoa học chưa phát triển nhiều và con người có một hiểu biết rất hạn chế, thiên nhiên vẫn ưu đãi và tạo dựng ra một đời sống tương đối an lành; số mầm bịnh không nhiều so với hiện tại, và sự xuất hiện những mầm bịnh mới, nhất là những loại ung thư xuất hiện trong vài chục năm trở lại đây. Đó là sản phẩm của các hóa chất độc hại xâm nhập vào cơ thể con người tạo ra những biến đổi gen không kiểm soát được. Đó cũng chính là sản phẩm của con người qua khoa học! Con người đã lạm dụng khoa học và với niềm tự tôn họ tin rằng sẽ chiến thắng được thiên nhiên, kiểm soát thiên nhiên, và luôn cố gắng thỏa mãn lòng kiêu hãnh của mình. Để cuối cùng thiên nhiên đáp lại rằng, hãy còn quá nhiều ẩn số mà con người chưa thể giải đáp được! Thiên nhiên đã vận hành tuần hoàn, có chu kỳ thời tiết mưa, nắng, bão, lụt...cho từng khu vực trước kia; mà hôm nay con người đã làm đảo lộn các chu kỳ trên một cách không kiểm soát nổi. 2- Hiệu ứng nhà kính Nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính là do thán khí và một số khí thải kỹ nghệ thải hồi vào bầu khí quyển. Tuy nhiên, cũng còn có nhiều giả thuyết khác nhau đến từ nhiều trường phái khoa học về cách lý giải cho hiệu ứng nhà kính. Một số khoa học gia trong khi nghiên cứu về hành tinh Hỏa tinh (Mars) đã đưa ra một giả thuyết về sự thành hình của mặt địa cầu như sau: Chu kỳ nóng lạnh của trái đất là một hiện tượng tuần hoàn. Trong hiện tại, quả địa cầu đang đi vào một cuộc vận hành “nóng” để rồi sau đó…sau một vài thiên niên kỷ sẽ chuyển trở qua chu kỳ “lạnh”. Lý do căn bản để làm điểm tựa cho lập luận nầy là vin vào thời đại của người Viking ở Bắc Cực thời gian trước khi di cư vào phía Nam vào thế kỷ thứ 6. Ở vào thời điểm nầy, những vùng có người Viking sinh sống, vẫn có nhiều đồng cỏ do đó họ có điều kiện để chăn nuôi và trồng trọt, chứ không là một tảng băng vĩ đại như hiện tại. Nếu giả thuyết nầy là một sự thật thì thuyết Âm Dương cũng có thể là một giải đáp cho bài toán nóng lạnh của trái đất. Theo sự suy diễn của thuyết Âm Dương, sự vận hành của trái đất tùy thuộc vào chu kỳ tuần hoàn của từng giai đoạn. Khi đến chu kỳ Âm, liên quan đến mặt trăng, do đó mực nước có thể bị dâng cao. Và khi trái đất chuyển qua chu kỳ Dương, liên quan đến mặt trời, thời tiết nóng dần lên. Tuy nhiên, dù lý giải như thế nào đi nữa, chúng ta cũng đã nhận rõ là trái đất hiện đang nóng dần, nghĩa là hiện tượng hâm nóng tòan cầu đã là một hiện thực. Ngoài những nguyên nhân được nêu ra qua sự phát triển công kỹ nghệ trên thế giới, con người còn tận dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên làm đảo lộn hệ sinh thái nhiều vùng trên trái đất. Từ đó, tạo ra những ảnh hưởng dây chuyền mà con người không thể kiểm soát hay tiên liệu được như hiện nay. Còn một nguyên nhân cho đến ngày nay không được các nhà khoa học lưu tâm đến là vào thời điểm năm 1750, dân số trên toàn thế giới chỉ chiếm khoảng vài trăm triệu. Hiện nay, quả địa cầu là nơi cư trú của trên 7 tỷ nhân mạng, phóng thích mỗi ngày, theo ước tính, hàng triệu tấn khí carbonic nhiều hơn rất nhiều so với thời điểm 1750. Điều nầy cũng có thể nào là một phần lý giải cho sự hâm nóng toàn cầu? 3- Hướng giải quyết mới Đi tìm một phương hướng khác để giải quyết vấn đề ô nhiễm hiện nay quả là một nan đề cho bất cứ nhà khoa học nào có lương tâm và có một tầm nhìn đúng đắn về dự phóng tương lai. Dùng khoa học hay kỹ thuật thuần túy để giải quyết ô nhiễm môi trường đã gặp những bế tắc kể trên. Từ ngàn xưa Phật Thích Ca đã gợi ý là dùng thiên nhiên để giải quyết và điều chỉnh những vấn nạn của thiên nhiên (do con người gây ra!) trong khi rao giảng đạo Từ Bi của Ngài. Ngài đã nhắc nhở rằng mọi sinh vật kể cả cây cỏ đều có một đời sống riêng góp phần vào sự hài hòa của thiên nhiên và nếu hủy diệt một mầm sinh vật nào đó, có thể làm đảo lộn sự hài hòa ấy. Do đó nguyên lý dùng thiên nhiên để giải quyết các vấn nạn của thiên nhiên là một suy nghiệm căn bản cho mọi phương pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong hiện tại và tương lai. Trong chiều hướng đó các nhà khoa học đã tìm về thiên nhiên để suy nghiệm và giải lý từ các chu kỳ tuần hoàn của cây cỏ để đưa ra các phương pháp thích nghi cho việc xử lý ô nhiễm môi trường. Nguyên lý SINH – DIỆT của Phật giáo có thể được đem ra áp dụng ở trường hợp này để mang lại sự cân bằng cho hai nhu cầu phát triển và cải thiện môi sinh. Vì vậy, trong thiên niên kỷ thứ ba này, nhiệm vụ chính yếu của các nhà khoa học trên thế giới là: • Phải tập trung trí tuệ để bảo vệ và tái tạo sự tuần hoàn nguyên thủy của thiên nhiên; • Nghiên cứu những công nghệ sạch để thay thế các nguồn năng lượng đang sử dụng hiện tại. • Truy tìm các giải pháp thiên nhiên để giải quyết vấn nạn ô nhiễm trên thế giới. Trong thiên niên kỷ thứ ba nầy, con người có hai nhu cầu chính yếu: nhu cầu phát triển và sản xuất sản phẩm để sinh tồn và nhu cầu giải quyết các phụ phế phẩm để làm sạch môi trường do nhu cầu phát triển tạo ra. 4- Làm sạch bầu khí quyển Trong tiến trình sản xuất năng lượng cho nhu cầu của con người trên thế giới, thán khí hay carbon dioxide (CO2) đã được thải ra quyện vào không khí do việc thiêu đốt than, dầu khí, khói xe, nhà máy v. v.. . Thán khí là một thành tố quan trọng nhất trong việc gây ra sự hâm nóng toàn cầu. Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa kỳ (EPA) và Bộ năng lượng (DOE), kể từ khi cách mạng kỹ nghệ toàn cầu bắt đầu khoảng 200 năm trước đây thì lượng thán khí trong bầu khí quyển tăng từ 280 mg/L lên 370 mg/L Năm 2016, lượng than khí trong không khí đã qua ngưỡng cửa 400mg/L. Hoa Kỳ cũng đã ước tính trong vòng 20 năm tới, lượng thán khí sẽ tăng lên 43%. Do đó, nhu cầu thiết yếu hiện tại là phải tìm một phương cách tối ưu để giảm thiểu lượng thán khí này. 5- Biến cải đất và làm sạch nguồn nước Cho đến nay, phương pháp thông dụng nhất để biến cải các vùng đất đã bị ô nhiễm là đất sẽ được đào xới lên và đem đi chôn ở một nơi khác. Việc làm này chính là việc di chuyển “ô nhiễm” từ một điểm A đến điểm B, chứ không phải là một phương pháp giải quyết ô nhiễm. Do đó, từ hơn một thập niên trở lại đây, việc nghiên cứu các vi khuẩn có khả năng hấp thụ các chất hữu cơ và kim loại độc hại phế thải trong kỹ nghệ là mục tiêu cấp bách của các khoa học gia trên thế giới. 6- Giải pháp duy nhất: “Tái hòa giải” với thiên nhiên Con người đã ảo tưởng là có thể sống không cần đến thiên nhiên, trong khi bản thân sự tồn tại của cơ thể con người đã là hiện thân cho sự đa dạng sinh học, với bao nhiêu tế bào, vi khuẩn tồn tại cộng sinh. Nguyên Giám đốc Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Tự nhiên Pháp nhấn mạnh là: loài người không thể phá hủy được sự sống, bởi các biểu hiện của sự sống sẽ vẫn tồn tại, cho dù loài người không còn nữa. Nhưng rất có thể là, với đà diệt chủng hiện nay, con người sẽ biến mất cùng với các loài động vật có xương sống, với các loài thực vật quen thuộc trong vườn nhà của chúng ta. Biến đổi khí hậu khiến tình hình càng trở nên khó khăn hơn. “Giải pháp duy nhất”, theo ông, đó là “tái hòa giải một nền kinh tế mới, được cân nhắc một cách kỹ lưỡng với thiên nhiên”. Tình hình hiện nay là “đã quá trễ để có thể bi quan”. Không ai biết được thời điểm nào thảm họa sẽ là “không thể đảo ngược”. Chỉ có một cách duy nhất là hành động khẩn cấp. 7- Cần có một đóng góp “phi thường” của thiên nhiên cho kinh tế Không chỉ là bệ đỡ cho sự sống của con người, đa dạng sinh học còn có đóng góp quyết định vào nền kinh tế nhân loại. Báo Le Monde dẫn thêm một con số của báo cáo WWF gây bàng hoàng: đóng góp của “các loài côn trùng và chim chóc thụ phấn” cho nông nghiệp hàng năm tương đương với 125.000 tỉ đô la, gấp 1,5 GDP toàn cầu (chưa tính đến các đóng góp khác của thiên nhiên). Nhà môi trường Pascal Canfin bình luận: “nếu phải trả tiền cho dịch vụ này, mô hình kinh tế hiện nay của chúng ta sẽ phá sản”. 8- Giải quyết nạn hạn hán qua kinh nghiệm của Nhật Bản Vào mùa hè năm 1994, Nhật Bản bị thiếu nước nghiêm trọng. Tháng 8 năm đó, hội nghị về Sử dụng nước mưa để cứu trái đất do Nhật Bản đề xướng đã được tổ chức một Hội nghị quốc tế tại Tp. Sumida, Tokyo. Chủ đề của hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng các hệ thống quản lý nước mưa hiệu quả để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, đô thị hóa, và sự khan hiếm nước. Những giải pháp có thể bao gồm việc thu gom nước mưa, sử dụng nó cho các mục đích khác nhau như tưới tiêu, giảm ngập lụt đô thị, và bảo vệ nguồn nước sạch. Hội nghị cũng có thể đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhà quản lý, và các chuyên gia quốc tế trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về cách tích hợp nước mưa vào các chiến lược quản lý đô thị và môi trường. Hội nghị quốc tế tại TP. Sumida, Tokyo vào năm 1994 với chủ đề "Sử dụng nước mưa để cứu Trái đất - Xây dựng mối quan hệ thân thiết với nước mưa ở các thành phố" tập trung vào nhiều khía cạnh của việc quản lý nước mưa. Dưới đây là một số chi tiết chính về những chủ đề có thể đã được thảo luận tại hội nghị: Sử dụng nước mưa: • Thu gom và lưu trữ nước mưa: Các phương pháp thu gom nước mưa từ mái nhà, bề mặt không thấm nước, và các khu vực khác để lưu trữ cho các mục đích sử dụng khác nhau như tưới tiêu, làm mát, và cấp nước sinh hoạt. • Ứng dụng trong đô thị: Các giải pháp để tích hợp hệ thống thu gom nước mưa vào thiết kế đô thị, chẳng hạn như hệ thống đường ống, bể chứa, và các khu vực lưu trữ khác. • Giảm nguy cơ ngập lụt: Cải thiện quản lý nước mưa để giảm nguy cơ ngập lụt đô thị bằng cách sử dụng hệ thống thoát nước mưa thông minh và bền vững. Lưu trữ nước mưa: • Hệ thống lưu trữ: Các thiết bị và công nghệ lưu trữ nước mưa, bao gồm bể chứa, thùng chứa, và các công nghệ khác để bảo đảm rằng nước mưa có thể được sử dụng hiệu quả và an toàn. • Quản lý phẩm chất nước: Các biện pháp để duy trì chất lượng nước mưa, bao gồm các phương pháp lọc và xử lý để loại bỏ tạp chất trước khi sử dụng. • Sử dụng lâu dài: Các chiến lược để tối ưu hóa việc sử dụng nước mưa trong dài hạn và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước sạch từ các hệ thống cấp nước chính. Lợi ích môi trường: • Bảo vệ tài nguyên: Sử dụng nước mưa giúp giảm áp lực lên nguồn nước ngọt và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên. • Giảm ô nhiễm: Các phương pháp thu gom và sử dụng nước mưa có thể giúp giảm ô nhiễm nước mưa và cải thiện chất lượng nước trong các đô thị. Thách thức và giải pháp: • Chi phí và đầu tư: Các vấn đề liên quan đến chi phí đầu tư và bảo trì hệ thống thu gom và lưu trữ nước mưa. • Khả năng tích hợp: Tích hợp hệ thống nước mưa vào cơ sở hạ tầng đô thị hiện có và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Kinh nghiệm và chia sẻ: • Chia sẻ kinh nghiệm: Các quốc gia và thành phố chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất trong việc quản lý nước mưa. • Hợp tác quốc tế: Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ và phương pháp mới để quản lý nước mưa hiệu quả. Hội nghị này có thể đã tạo cơ hội để các nhà nghiên cứu, kỹ sư, nhà hoạch định chính sách, và các bên liên quan khác thảo luận và hợp tác trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến việc sử dụng và quản lý nước mưa. Vấn đề là cách nhìn của chúng ta về nước mưa cũng sẽ phải thay đổi, không thể lãng phí nước mưa. Miền Nam với vũ lượng hàng năm thay đổi theo vùng, trung bình từ 1.500 đến 2.000 mm/mùa mưa. Như vậy, nếu rút được kinh nghiệm qua hội nghị trên, Bà con sẽ không bao giờ phải ứng xử với nạn thiếu nước ngọt như tháng 4 và 5, 2024 vừa qua. Có thể chứa nước mưa trong những hồ lớn đặt cố định trên mặt đất tại những địa điểm có tính chiến lược. Nên hạn chế lượng nước mưa chảy xuống các cống và rãnh thoát nước ở xung quanh nhà hoặc hai bên đường phố. Lượng nước mưa được lưu giữ lại có thể sử dụng trong cộng đồng như tưới cây, và trong trường hợp khẩn cấp, có thể dùng lượng nước mưa dự trữ này để chữa cháy hoặc thậm chí có thể thay thế nước ăn. Mỗi hồ chứa nên được lắp đặt thêm một chiếc bơm tay và một cái vòi nhỏ để bất cứ ai cũng có thể sử dụng nước vào bất cứ lúc nào. Bể chứa nước loại này được gọi là "Tensuison" có nghĩa là "trân trọng nguồn nước mưa Chúa đã ban tặng". Khi bạn dạo quanh quận Ichitera-Kototoi thuộc TP. Sumida, đi ngang qua đường phố Eco-Roji - đường phố sinh thái (Roji theo tiếng Nhật có nghĩa là "đường phố") và sẽ thấy đường phố có tên Rojison - theo nghĩa đen là "tôn trọng các ngõ hẹp". Phố Rojison có một hồ chứa nước mưa ngầm với dung lượng tối đa 10 mét khối, có lắp đặt thêm bơm tay. Nguồn nước này được dùng tưới cây và được xem như hệ thống chứa nước mưa cho cộng đồng dùng trong trường hợp khẩn cấp. Bạn cũng sẽ thấy những hồ chứa lớn sơn màu đỏ tía có lắp vòi ở trước cửa các căn nhà. Các ý tưởng về Tensuison được nêu trong cuốn sách "Quan điểm về ốc đảo Sumida" đã trở thành hiện thực dưới nhiều hình thức khác nhau tại vùng Ichitera-Kototoi. Trên đây thực sự là những đề nghị và giải pháp rất khoa học và mang tính “bồi hoàn” nghĩa là sử dụng thiên nhiên, điều chỉnh và cải thiện việc làm “ô nhiễm nguồn nước” của con người. Đó chính là mục tiêu và mục đích của bài viết. Còn như, câu chuyện về là một tuyên bố nổi tiếng của bà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam trong năm 2010, bà Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nêu ra một ý tưởng về việc mỗi hộ gia đình ở miền Nam nên mua một cái lu (chum) để chống lụt, với hy vọng rằng việc này có thể giúp lưu trữ nước mưa hoặc giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt. Tuyên bố này gây ra nhiều phản ứng khác nhau từ cộng đồng và truyền thông, một phần vì ý tưởng này không thực sự khả thi và không giải quyết được các vấn đề cơ bản về quản lý lũ lụt, gây tranh cãi trong và cũng là đề tài hài hước trong dư luận. 9- Thay lời kết Tiến trình làm sạch thiên nhiên và trả lại thiên nhiên những nguồn nước trong lành, bầu khí quyển tươi mát, bảo vệ những cánh rừng nơi trú ngụ của các thú vật sắp bị tiệt chủng, bớt phí phạm những nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới nhất là nguồn nước sạch .... là bổn phận và trách nhiệm của mọi người trên hành tinh nầy. Đã tự nhận là một sinh vật thượng đẳng, con người không thể từ chối bổn phận trên được. Việt Nam từ khi mở cửa để phát triển từ năm 1986 trở đi, tình trạng môi trường ngày càng xuống cấp tệ hại. Tương tự như ở Trung Cộng, có thể nói rằng mức độ tiếp nhận ô nhiễm do con người tạo ra ở Việt Nam đã đến mức tới hạn tối đa (threshold limit) rồi. Một thí dụ điển hình về chỉ số phẩm chất không khí – Air Quality Index – AQI ở Hà Nội hàng năm. Hà Nội thường có chỉ số AQI từ mức “kém” đến “rất xấu” trong nhiều tháng trong năm. Các chỉ số AQI cụ thể có thể dao động từ khoảng 100 (mức "kém") đến 300 (mức "rất xấu") trong những ngày ô nhiễm nặng. Khi chỉ số AQI tang lên 150, theo WHO, nhà cửa cần phải phải được đóng kín và không được đi ra ngoài. Có nhiều chỉ dấu đã báo động về mức tới hạn trong hiện tại. Đó là, hệ thống sông ngòi từ Bắc chí Nam đã và đang biến thành những dòng sông chết, hệ lụy tất yếu của sự phát triển bừa bãi và không cân bằng với việc bảo vệ môi trường. Một khi thiên nhiên không còn khả năng tự điều tiết để tái tạo hay làm sạch môi trường thì hệ quả về sự suy thoái môi trường ở Việt Nam sẽ khốc liệt hơn và con người sẽ không còn đủ khả năng để điều chỉnh hay cứu chữa nữa. Và chính sự khuất tất trên của những người quản lý đất nước hiện tại đã là một trọng tội đối với những thế hệ tiếp nối. Mỗi người trong chúng ta, nếu ý thức được điều đó, cần phải biết gìn giữ và bảo vệ môi trường sống chung quanh mình. Đó là một phương cách an toàn và nhân bản nhất trong thiên niên kỷ thứ ba. Và hơn nữa, có làm được như thế, chúng ta đã trả lại một phần nào món nợ mà chúng ta đã vai mượn trước của các thế hệ sau do việc làm suy thoái môi trường và phí phạm tài nguyên trong quá trình phát triển kỹ nghệ để phục vụ tham vọng của con người. Mai Thanh Truyết Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPS) Mùa hè Houston 2024

No comments:

Post a Comment