Wednesday, July 24, 2024
Tình trạng Đại học Việt Nam qua nhận định của thế giới
Quy mô giáo dục đại học tăng
Qua bốn bảng thống kê về sự tăng trưởng số trường đại học ở Việt Nam cùng các số liệu về số sinh viên, giáo sư, giảng viên đại học từ năm 2010 đến 2012, chúng ta thấy gì?
Tính đến năm 2022, trong 172 cơ sở GDĐH công lập có 146 cơ sở đào tạo công lập trực thuộc các cơ quan trung ương (tính cả các đại học quốc gia, đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các đại học quốc gia, đại học vùng); 26 cơ sở công lập trực thuộc các địa phương.
Ngoài ra, còn có 20 trường cao đẳng sư phạm (03 trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 17 trực thuộc các địa phương). Trong 67 cơ sở GDĐH ngoài công lập có 05 cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài.
Quy mô đào tạo tăng, sinh viên tốt nghiệp giảm
Số lượng trường đại học tăng, giảng viên tăng giúp cho quy mô đào tạo (chính quy, từ xa, vừa làm vừa học tăng.
Dân số Việt Nam 2014 90 triệu, 2020 97.580.000, 100.300.000 người năm 2023.
Nhìn chung, tóm lược từ nhiều nguồn tin trên mạng, người viết nhận thấy mạng lưới các trường đại học được phân bố trên khắp cả nước và các vùng miền. Tuy nhiên, mật độ các trường rất chênh lệch, các trường tập trung vào những vùng kinh tế phát triển như Đồng bằng sông Hồng (44,3%), Đông Nam Bộ (18,4%), thấp nhất ở vùng Tây Nguyên (1,6%). Có một điều gì đó, Đồng bằng Sông Cửu Long đã không được đoái hoài tới, số trường đại học và Cao đẳng tăng trưởng không cân xứng với việc gia tăng dân số so với các vùng khác. Thậm chí các trường trung và tiểu học cũng còn vá víu, hoàn toàn để cho địa phương lo liệu mà không có sự giúp đỡ của trung ương. Đây là một điều nghịch lý trong chính sách giáo dục của cộng sản Bắc Việt. Người viết xin mở một câu hỏi trong vấn đề kỳ thị hay triệt hạ miền Nam?
Hệ thống trường tư thục đã có những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên, số lượng và quy mô trường vẫn còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết 35-NQ/CP đề ra (đến 2020 có 28% trường đại học tư thục).
Năm học 2021 – 2022 có trên 2 triệu sinh viên đang theo học đại học, trong đó có 80,56% sinh viên đang học trong các cơ sở đào tạo công lập; đào tạo chính quy chiếm 88,21%, vừa làm vừa học 8,52% và đào tạo từ xa 3,27%.
• Nhận định của GS.TS Lê Anh Vinh Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thông tin: Năm 2022 cả nước có 239 cơ sở GDĐH (172 cơ sở đào tạo công lập và 67 cơ sở đào tạo ngoài công lập), năm 2009 có 150 cơ sở GDĐH (106 cơ sở đào tạo công lập, 44 cơ sở đào tạo ngoài công lập); năm 2015 có 214 cơ sở GDĐH (156 trường công lập và 58 cơ sở đào tạo ngoài công lập). Như vậy, số cơ sở giáo dục đại học tăng dần trong những năm gần đây.
Số trường đại học tăng dần theo thời gian nhưng sự phân bổ không đều. Số trương ở miền Bắc tang nhanh và nhiều hơn so với số trường ở trong Nam nếu tình theo tỷ lệ dân số.
Vì đâu nên nỗi?
Câu hỏi được đặt ra có phải:
- Đại học không còn là một điểm đến hấp dẫn đối với thanh niên ngày nay?
- Hoặc văn hóa Việt, từ ngàn xưa xem giáo dục là thước đo con người, nay đã chuyển hướng thành văn hóa xã nghĩa, lấy vật chất, tiền tài, quyền lực làm kim chỉ nam?
- Bộ mặt xã hội Việt đã thay đổi vì chính sách quản lý xã nghĩa không còn xem việc…tiên học lễ, hậu học văn nữa?
- Hoặc chính vì Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng, Thành ủy, Tỉnh ủy, Quận ủy, Xã ủy, Tổng Giám đốc, Giám đốc Cty quốc doanh….đều xử dụng BẰNG CẤP GIẢ cho nên tuổi trẻ Việt Nam không còn tin tưởng vào giáo dục Việt Nam nữa hay sao?
Và các câu trả lời phải chăng là tổng hợp của cả bốn câu hỏi trên?
Dù là thế nào đi nữa, chắc chắn hệ thống đại học Việt Nam đang có vấn đề. Và vấn đề cũng không khác gì những yếu tố đã nêu ra trong những bài viết trước đây, như “Hiện trạng giáo dục Việt Nam”, “Giáo dục bậc Tiểu học và Trung học”, “Nguyên do và thách thức trong giáo dục Việt Nam”. Các bài viết trên đã được trình bày trong quyển sách “Việt Nam Tương Lai” của người viết.
Riêng ở bậc giáo dục đại học, vấn đề càng trầm trọng hơn nữa, vì nơi đây là nơi kết tụ nguyên khí quốc gia, quyết định cho sự phát triển và hưng vong của dân tộc.
Một chuyên gia giáo dục (xin không nêu danh vì tính cách tế nhị của vấn đề) thuộc Đại học Sài Gòn, nằm trong nhóm “Think Tank”, nhóm chuyên gia độc lập có nhiều nhận định về các viễn kiến có thể xảy ra trong tương lai Việt Nam nhận xét:”Chúng ta (Việt Nam) muốn làm quá nhiều việc cùng một lúc, nhưng thất bại trong việc tập trung chính sách để sửa chữa một vấn đề quốc gia”. “Tiếc thay, chúng ta phí phạm quá nhiều thời gian và tài nguyên tiêu tốn vào những chuyện vô ích khác để duy trì hệ thống”.
Nhận định trên thật là đúng cho tình trạng giáo dục Việt Nam hiện tại, nhứt là ở bậc đại học. Hiện tại, Việt Nam đang thực hiện hai kế hoạch có tính cách toàn diện trong giáo dục., đó là:
• Dự án chính phủ với kinh phí 443 triệu Mỹ kim để đào tạo một thế hệ lao động thông thạo Anh ngữ cho đến năm 2020. Dự án nầy đã được chấp thuận kinh phí từ năm 2008, nhưng chỉ mới bắt đầu khai triển năm 2012 (!). Đây là một dự án có quá nhiều tham vọng trong điều kiện và khả năng Anh ngữ hiện có của thanh niên Việt rất yếu. Một dự án so với kinh nghiệm các quốc gia khác như Thái Lan cần phải mất hàng ba thập niên, nhưng Việt Nam chỉ dự trù dưới 10 năm(!). Vì vậy tính khả thi của dự án kể như không có, cũng như chưa kể đến mọi “nhấm gậm, rút ruột” dự án như trong quá khứ. Chúng ta vẫn không quên, mười năm trước đây, Việt Nam có một dự án quốc gia là điện toán hóa hệ thống công quyền và hành chánh Việt Nam, tiêu tốn hàng trăm triệu Mỹ kim…nhưng rồi tất cả đi vào quên lãng sau khi được tháo khoán, và hàng chục Ủy ban thanh tra, thanh lý …đều phải quy phục, không dám giải quyết vì có mệnh lệnh từ…quý “Anh Nhớn”. Năm nay là năm 2024, hầu như tất cả những dự án trên, kinh phí dự trù đã tiêu hết sạch nhưng “báo cáo” kết quả hầu như không có văn bản chính thức nào cả…nghĩa là kinh phí đã được … cùng nhau chia chác theo…thứ bậc cán bộ!
• Một dự án có nhiều tham vọng khác là đào tạo 20.000 Cao học và Tiến sĩ với trình độ quốc tế từ năm 2012 cho đến năm 2020. Đây lại thêm một dự án “không tưởng” cho các đỉnh cao trí tuệ Việt Nam. Hiện tại, với trên 3 triệu đảng viên (năm 2012), há lẽ, Việt Nam không có đủ 20 ngàn Tiến sĩ hay sao, mà phải đợi đến năm 2020? Đối với một dự án tương tự như trên, TC và Đại Hàn phải mất 20 năm và tiêu tốn nhiều tỷ Mỹ kim mới đạt được tiêu chuẩn trên. Nhưng Việt Nam thì khác, cho đến cuối năm 2021 số TS Việt Nam đã qua ngưỡng cửa 25.366, bỏ xa TC và Đại Hàn nếu tính theo tỷ lệ dân số (???)
Chính vì tầm quan trọng của giáo dục đại học, ảnh hưởng trực tiếp và dài hạn đến tương lai của dân tộc, thiết nghĩ các tác giả của những chương trình, dự án quốc gia cần phải:
• 1- Thực tế,
• 2- Có tâm và tầm,
• 3- Có trình độ khoa học kỹ thuật đủ để lượng định tình hình,
• 4- Đừng “hoang tưởng” vẽ ra hình ảnh…thiên đàng xã hội chủ nghĩa, mà cần phải nhìn vào sự thực đến từ những nhà giáo dục thực sự trên thế giới.
Trong một báo cáo của Trường đại học Kennedy thuộc Đại học Harvard ghi nhận rằng:”Đại học Việt Nam đã “khuấy động” ra một tầng lớp lao động trang bị một cách “bịnh hoạn” để giải quyết những thách thức về kinh tế, xã hội của đất nước trước tiến trình toàn cầu hóa”. (Vietnamese universities were churning out a workforce ill-equipped to tackle the nation’s socio-economic challenges in a globalizing world).
Phòng Thương mại Âu Châu (EuroCham) đã nêu ra trong cuốn Bạch Thư (White Book) ấn hành cuối năm 2012 nêu rõ:”Hệ thống giáo dục Việt Nam đang đối mặt với cơn khủng hoảng trầm trọng ảnh hưởng đến lực lượng lao động hiện có và các tài năng đang được đào tạo”. Thêm nữa, Bạch thư nhấn mạnh:”Học trình và phương pháp giáo dục trong đại học hiện tại đã tạo ra một nhịp tấu không hòa điệu (discord) giữa khả năng và kỷ năng mà các công ty đòi hỏi trong hành trang của sinh viên khi bước vào thị trường lao động”.
Qua hai nhận định xác đáng trên, chúng ta thấy ngay sự thất bại của những nhà làm giáo dục Việt Nam. Và chính những thất bại căn bản nầy sẽ là một hậu quả tai hại không lường vì tham vọng không tưởng quá lớn của Việt Nam trong việc “mưu sinh thoát hiểm” để thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế hiện đang xảy ra trong nước cũng như việc mưu cầu cho một nền kinh tế phát triển phồn thịnh trong tương lai!
Việt Nam hiện có hai phần ba dân số sinh sau 1975 và 1/3 dân số nằm trong khoảng tuổi từ 10 đến 25, và đa số ở lứa tuổi nầy đều thất nghiệp vì không có đủ kỷ năng làm việc trong các hãng xưởng.
60% sinh viên tốt nghiệp hiện tại không có việc làm và cần phải được đào tại lại về kiến thức, kỷ năng và nhứt là thái độ (attitude) khi giao tiếp trong môi trường làm việc!
Chính vì lý do nầy mà các công ty ngoại quốc ngại việc đầu tư vào Việt Nam vì mang nhân viên, chuyên viên từ hải ngoại về rất tốn kém, và việc “tái huấn luyện” lao động tại chỗ càng tốn kém hơn và đôi khi không có hiệu quả. Chúng ta còn nhớ, khi Công ty INTEL mở một chi nhánh ở Sài Gòn năm 2010, trong hơn 2.000 ứng viên đã tốt nghiệp đại học nộp đơn xin việc, họ chỉ chọn được 50 người và cần phải gửi đi huấn luyện lại!
Và sự việc nầy đã được tái lập năm 2021, khi Cty đã quyết định đầu tư vào Việt Nam một lần nữa; nhưng sau khi khảo sát thị trường lao động chuyên một, một lần nữa Cty lại quyết định rút lui hẵn, và ra khỏi Việt Nam.
Chúng ta hãy nghe Nicola Connolly, Phó Tổng Giám đốc EuroCham, nói việc huấn luyện nầy đòi hỏi phải huấn luyện các cô cậu Cử Việt Nam trên một năm mới có thể hội nhập vào dòng tiêu chuẩn lao động chuyên môn quốc tế.
Báo Tuổi Trẻ kể, Đại học cấp bằng Tiến sĩ đó là qua chương trình tiến sĩ của ĐH Bulacan State (Philippines), và tuyển sinh từ Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.SG) và Trường ĐH Đại Nam (Hà Nội).
Báo Tuổi Trẻ kể tiếp:”Nhiều chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với nước ngoài tuyển sinh khá dễ dãi. Không yêu cầu ngoại ngữ đầu vào, thậm chí có người thông dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt trong quá trình học, bảo vệ luận án bằng tiếng Việt.”
Một điểm nữa làm cho sinh viên tốt nghiệp sau khi đi vào công việc ở các nhiệm sở lại vấp phải hệ thống quản lý vi mô (micro-management), do đó tầm nhìn vĩ mô (macro-management) hoàn toàn thiếu vắng trong nhận thức của lãnh đạo, cho nên không thề phát huy sáng kiến được. Từ đó, tạo ra một hội chứng “mackeno” trong tâm trí người chuyên viên Việt…và hậu quả là các công ty quốc doanh đa số phải chịu thua lỗ.
Thay lời kết
Trước những bế tắc trong giáo dục và nhứt là giáo dục đại học, trước những rào cản trong công ăn việc làm, tuổi trẻ Việt Nam, những sinh viên ưu tú chỉ còn một lối thoát duy nhứt là…đi học ở ngoại quốc. Và tình trạng “tỵ nạn giáo dục” (education asylum) đã và đang diễn ra khắp nơi ở Việt Nam, tạo ra hiện tượng xuất não trí thức ngày càng trầm trọng hơn, không khác gì tình trạng “xuất cảng lao động” và “xuất cảng thân xác người phụ nữ”.
Kể từ ngay sau khi TT Clinton giao thương với Việt Nam 1995, lúc ban đầu hàng năm có khoảng trên dưới 5.000 sinh viên du học. Nhưng kể tử năm 2013 trở đi, sỉ số sinh viên du học đạt hơn 15.000, hàng năm cứ tăng dần. Riêng năm 2023, theo tin tòa Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết theo báo cáo năm 2023 Open Doors Report của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), số sinh viên Việt Nam tại các trường đại học, cao đẳng Mỹ tăng 5,7% lên 21.900 sinh viên trong năm học 2022-2023.
Tuy số sinh viên du học ngày càng tăng trong suốt hơn 20 năm qua, nhưng người viết chưa tìm được bất cứ thống kê nào từ phía Việt Nam hay Hoa Kỳ nêu lên số lượng các sinh viên du học trong quá khứ trở về quê quán!. Đó chính là một điều nghịch lý. Việt Nam cần chất xám cho phát triển, đầu tư thanh niên đi du học, nhưng rốt cuộc lại bị… xuất huyết chất xàm!
Đây mới là một nguyên nhân cốt lõi khiến cho Việt Nam chậm phát triển sau 50 năm cai trị đất nước!.
Mai Thanh Truyết
Mùa hè Houston, 2024
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment