Tuesday, April 30, 2024
Ubuntu: Thông điệp chữa lành
Lời người góp nhặt cát đá: Thân tặng đến tất cả bạn bè, đồng hương nhân ngày Quốc hận những dòng chữ dưới đây về ý nghĩa của chữ “Ubuntu”: “Tôi như thế nầy vì mọi người xung quanh cũng vậy – I am because we are”.
Đọc bài viết “Giá trị chữa lành của Ubuntu” của tác giả Trịnh Hiệp có đoạn:” Cái tên Ubuntu xuất phát từ ngôn ngữ Xhosa ở châu Phi, nó có nghĩa là "tình nhân ái cho mọi người", "tôi như thế này vì mọi người xung quanh cũng vậy" (I am because we are)”, làm cho tôi chú ý đến tử ngữ Ubuntu. Ubuntu (phát âm IPA uːˈbuːntuː).Tên của nó bắt nguồn từ "ubuntu" có nghĩa là "tình người". Mô tả triết lý ubuntu: "Tôi được là chính mình nhờ có những người xung quanh," một khía cạnh tích cực của cộng đồng.
Tôi cũng được biết Ubuntu cũng là :”Ubuntu là một hệ điều hành máy tính mã nguồn mở dựa trên hạt nhân Linux và được phát triển bởi Canonical Ltd. Ubuntu được thiết kế với các tiện ích dễ xử dụng, linh hoạt và miễn phí. Hệ điều hành này có mục tiêu phổ biến hóa việc tận dụng Linux đối với người dùng bình thường và doanh nghiệp”. Đây là một công nghệ được thiết lập từ năm 2004, tích hợp cửa hàng ứng dụng Ubuntu Software để người dùng có thể tải và cài đặt ứng dụng nhanh chóng hơn. Hệ điều hành này được nhà phát triển cập nhật thường xuyên nhằm đảm bảo tính an toàn cho hệ thống và khả năng hoạt động với hiệu suất tốt.
Bài viết chỉ nhằm chia xẻ về Ubuntu trong khái niệm về “sự người - humaness” xuất phát từ châu Phi, và sự người này được đặt để trong ngữ cảnh tương tác và chung sống của con người với nhau trong một cộng đồng. Giá trị của Ubuntu là tôn trọng, giúp đỡ người khác, chia sẻ, quan tâm, tin tưởng, sống hội nhập và không ích kỷ với cộng đồng.
1- Câu chuyện Ubuntu
Trong bối cảnh cũ, triết lý Ubuntu là nền tảng định hình các mối quan hệ giữa các cá nhân trong các xã hội Châu Phi. Về bản chất, Ubuntu là dấu ấn quan trọng trong nền văn hóa Châu Phi và khu vực cận Sahara thể hiện sự hiểu biết, nhân phẩm, lòng nhân ái, sự hòa hợp và nhân văn vì lợi ích xây dựng cộng đồng và sự quan tâm lẫn nhau của tất cả mọi người. Ngày nay, trong bối cảnh Nam Phi hiện đại, triết lý này được đơn giản hoá thông qua ngôn ngữ của các chính trị gia hay các nhân vật của công chúng để kêu gọi sự gắn kết và đồng lòng hướng tới một mục tiêu chung.
Một nhà nhân chủng học đưa ra một trò chơi cho các em nhỏ trong một bộ lạc ở châu Phi: ông đặt một rổ quả ở một gốc cây và bảo bọn trẻ đứa nào chạy tới gốc cây trước sẽ thắng cuộc và được rổ quả. Bọn trẻ con nắm tay nhau và cùng chạy tới gốc cây, cùng chia nhau phần thưởng. Ông hỏi tại sao các cháu không chạy riêng thì sẽ được hết số quả cho mình, chúng nó trả lời "Ubuntu, làm sao một người có thể vui khi mọi người khác buồn?"
Linh muc Desmond Tutu đã diễn giải:
"Một trong những ngạn ngữ ở nước tôi là Ubuntu, bản chất của con người. Ubuntu nói cụ thể về sự thật rằng bạn không thể tồn tại là người trong cô độc. Nó nói về tính liên kết lẫn nhau. Một mình bạn không thể là người, và khi có phẩm chất Ubuntu bạn được biết về tính hào hiệp của mình. Chúng ta thường nghĩ về mình quá nhiều chỉ như những cá nhân riêng rẽ, chia cắt khỏi những người khác, trong khi chúng ta có liên kết với nhau và việc mình làm ảnh hưởng tới cả thế giới xung quanh. Khi bạn làm điều tốt, nó sẽ lan toả ra và nó có tác dụng cho cả cộng đồng".
2- Còn chúng ta thì sao?
Và tất cả những điều nêu ở phần trên dường như đang rất thiếu trong xã hội của chúng ta. Có lẽ đơn giản vì chúng ta đã được dạy trong một thời gian dài cứ phải lo tập trung học kiếm tiền, làm giàu về vật chất, mâm trên bát trước, làm ông làm cha thiên hạ mới có thể ngóc đầu kiêu hãnh với xã hội. Làm giàu không sai, trừ phi làm sai để giàu. Nhưng nếu một xã hội chỉ chăm chăm lo giàu tiền giàu bạc, nghèo nhân nghèo nghĩa thì xã hội đó hoàn toàn không có nền tảng, gốc rễ để phát triển bền vững, trước sau gì cũng phát bệnh đâm chém, chèn ép, hãm hại nhau vì cái sự hơn thua tiền bạc mà ra. Chẳng phải đó là điều chúng ta đang nhìn thấy hay sao?
Là người mà chưa chắc đã làm người là như thế. Thân xác con người không đo được mức độ làm người của một con người. Muốn đo thì phải đo giá trị cốt lõi. Con người thì có phần con và phần người. Nếu cá nhân, gia đình, xã hội tập trung nuôi phần con thì đương nhiên nó càng ngày càng phổng phao, rồi biến thành quái thú lúc nào không hay. Khổ một nỗi là, trong một đám quái thú thì làm sao thấy mình quái thú, cứ ngỡ như thế mới là người, là người phải như thế, vì xung quanh ai cũng thú vậy mà ta….
Lúc này, đứa nào lỡ sa chân chọn đường làm người thì sẽ rất gian nan, vì làm người là không giống ai, quá dị biệt, sẽ trải qua nhiều gian nan, thất bại, và hoàn toàn không trộn sỏi trộn gạch được vào đám đông. Yếu bóng vía chút là phần người sẽ bị xã hội đè bẹp, hoặc vì gian nan quá mà bỏ cuộc, tuyệt vọng quá mà buông xuôi.
Làm người đã khó. Làm người trong một xã hội không đề cao sự người lại càng khó khăn hơn. Cho nên, ai dám lựa chọn Ubuntu để làm la bàn mà canh theo, trong ngữ cảnh hiện nay thì phải gọi là quá liều lĩnh và cố chấp.
Có điều, câu hỏi lung lay thế kỷ cần đặt ra là, “Ta sinh ra là để làm người hay để làm gì khác?”
Nếu sinh ra để làm người, liệu ta có Ubuntu chưa?
Có tôn trọng, giúp đỡ người khác, chia sẻ, quan tâm, tin tưởng, sống hội nhập và không ích kỷ với cộng đồng?
Có hay không? Có hay chưa? Có chút nào không?
Hay còn đang tìm hiểu và còn đang đắn đo suy nghĩ về quyết định khó khăn này?
Còn “khác” sự người, cho dù là gì đi chăng nữa, cũng có nghĩa là ta đã không chọn làm “người”. Vậy nghĩa là mọi khát khao, mong muốn trong cuộc đời này, đích đến và lẽ sống của ta là không liên quan hay ngược lại?
Thật ra, không ai được quyền phán xét sự lựa chọn của ai, và lựa chọn nào sẽ tương ứng với kết quả đó. Có điều, nếu đứng từ góc độ được nhận lãnh, bạn có muốn được người khác tôn trọng, giúp đỡ, chia sẻ, quan tâm, tin tưởng, sống hội nhập và chan hoà với bạn hay không?
Nếu câu trả lời là không thì thôi ta giải tán miễn bàn.
Còn nếu câu trả lời là có thì, bạn có đang ngóng chờ Ubuntu từ người khác mà quên Ubuntu ngược lại?
Ai chơi kỳ vậy! Đời này làm gì có bữa trưa nào miễn phí, càng không thể cắm mặt lủi mãi vào đường một chiều. Chơi cho công bằng thì phải có qua có lại.
Còn ai sống đẹp thì tự người ta bao dung, trải lòng không mong cầu. Ngay cả khi người ta chọn sống kiểu đó thì mình mặt mũi đâu mà lợi dụng hoài?
Có gieo có gặt. Có qua có lại chút chớ.
Ngạn ngữ tiếng Anh có câu, “Chim cùng lông cùng cánh thì bay cùng với nhau - Birds of the same feather fly together”. Còn đồng loại “làm người” chắc cũng phải tụ vào nhau mà tồn tại. Nếu bạn đang lẻ loi, cô độc vì muốn chọn làm người, có khi bạn cần thay đổi môi trường, đi tìm đồng bọn ở một nơi rất khác, rất Ubuntu.
Đừng tuyệt vọng thưa bạn, vì ở đâu cũng có loài này loại kia. Và đâu đó vẫn còn hiện diện những bộ lạc làm người. Còn nếu ai đang chưa muốn làm người thì, cũng nên nhắm mắt phân tích chút ít về cảnh giới bạn muốn nhận lãnh. Quít không đi thì sao mà cam lại? Đừng mong cầu ích kỷ cho mình mà quên đáp trả tương ứng với đời. Vậy thôi à!
3- Tại sao chúng ta cần Ubuntu trong bối cảnh hiện tại?
René Descartes, một trong các nhà khoa học và triết gia vĩ đại nhất mọi thời đại và được coi là nhà sáng lập của chủ nghĩa duy lý hiện đại, từng nói: “Tôi suy nghĩ, nên tôi tồn tại – Je pense donc je suis”. Suy tư này từng tác động đến cách nhân loại hình thành ý thức về bản thân mình qua nhiều thế hệ. Trong đó, sự định hình thành tựu hay cá tính của một cá nhân không nhất thiết phải được xác định bởi mối quan hệ của một cá nhân với người khác. Tuy nhiên, người Châu Phi cổ đại không nghĩ thế, họ nuôi dưỡng cộng đồng của mình thông qua một triết lý phi phương Tây và vẫn còn tồn tại vững mạnh đến ngày nay, đó là Ubuntu.
Sự lên ngôi của chủ nghĩa cá nhân cũng như sự phát triển của xã hội hiện đại dễ khiến cho các giá trị cộng đồng bị lu mờ, đi cùng với đó là chuỗi hành động thể hiện sự ích kỷ cá nhân hay lòng tham được đề cao. Ubuntu tồn tại không chỉ để nhắc nhở người Châu Phi mà loài người nói chung về bản chất đẹp đẽ của một con người, là tia sáng thiêng liêng của sự tốt đẹp vốn có bên trong mỗi người.
Bởi lẽ, Ubuntu còn mang nhiều tầng lớp nghĩa như tình yêu, sự thật, hòa bình, hạnh phúc, sự lạc quan vĩnh cửu, lòng tốt bên trong.
Ngay từ đầu các nguyên tắc của Ubuntu đã hướng dẫn các xã hội châu Phi hình thành, tương tác lẫn nhau, tương tác với thiên nhiên hay đấng sáng tạo. Không chỉ ở Châu Phi, thế giới cũng cần một nguyên tắc hướng dẫn chung về các giá trị nhân văn để con người hướng đến. Ubuntu là cốt lõi của các giá trị con người và nếu không có Ubuntu, con người sẽ bị bao trùm bởi lòng tham, ích kỷ, vô luân, kiêu ngạo. Và quan trọng hơn hết, một khi hiểu rõ được ý nghĩa trong cách đối xử của con người đối với nhau và sự quan trọng của giá trị nhân đạo được nuôi dưỡng trong tâm thức của con người, nó có thể đảm bảo rằng những sự kiện vô nhân đạo như chiến tranh, phân biệt chủng tộc sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Sinh ra ở bối cảnh Châu Phi, Ubuntu cho thấy rằng nó mang giá trị chữa lành hơn bao giờ hết. Học giả Kenya James Ogude tin rằng Ubuntu có thể đóng vai trò đối trọng với chủ nghĩa cá nhân đang lan tràn trong thế giới đương đại. Trên thực tế, Ubuntu đặt trọng tâm vào các liên kết chung trong một nhóm quan trọng hơn bất kỳ lập luận hay phân chia riêng lẻ nào của cá nhân trong đó. Nhưng áp dụng triết lý này không có nghĩa là mọi người sẽ không tranh cãi, không mâu thuẫn. Học giả James Ogude cho rằng: “ Mọi người có thể tranh luận, có thể không đồng ý, nó không có nghĩa là không có căng thẳng. Mà coi nó như việc đến với nhau và xây dựng một sự đồng thuận xung quanh những gì ảnh hưởng đến cộng đồng. Và một khi bạn đã tham gia tranh luận, bạn sẽ hiểu điều gì là tốt nhất cho cộng đồng, và sau đó bạn phải chấp thuận điều đó.”
Vượt qua cả một triết lý, Ubuntu còn mang cả thông điệp chữa lành. Theo thời gian, các quốc gia Châu Phi vẫn còn mang những chấn thương tâm lý cộng đồng. Hệ thống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong lịch sử đã tàn phá phần lớn niềm tin của con người về giá trị nhân đạo và phẩm giá con người. Ubuntu lúc này có giá trị thúc đẩy công lý phục hồi, gắn kết mối quan hệ mà đôi lúc không chỉ giữa con người với con người, mà còn của con người với thực thể đời sống xung quanh. Triết lý như kim chỉ nam gắn chặt vào đời sống và niềm tin của người Châu Phi, dẫn dắt họ đi qua bóng tối của những sự kiện vô nhân đạo và tiếp tục đặt niềm tin vào giá trị con người, cộng đồng.
4- Thay lời kết
Người viết xin mượn lời của tác giả Trịnh Hiệp để thay lời kết cho câu chuyện Ubuntu:”Xã hội VN hiện đại ngày càng man di, nghĩa là tính lợi ích cá nhân nhiều, sống bằng cái đầu và cái dạ dày của thú dữ nhiều. Họ mất đi trái tim để cảm nhận hạnh phúc và nỗi đau của những người xung quanh. Người làm quan chỉ muốn vơ vét cho đầy túi tham, chứ không muốn thấy một xã hội, một thành phố, một làng quê tốt đẹp hơn. Người CSGT ra đường chỉ muốn chặn xe lấy tiền người dân, họ không thấy hạnh phúc của mình chỉ có khi làm tốt công việc của mình, để người dân đi lại dễ dàng hơn, an toàn hơn, thoải mái hơn. Người làm cầu, làm đường, thì ăn bớt vật liệu, thi công gian dối để đút túi tiền, họ không thấy hạnh phúc là khi làm được một cây cầu, một con đường tốt cho người dân. ...
Xã hội Việt Nam đã mất đi trái tim của người, khi một người không thể vui trong khi những người khác buồn, khi một người không thể làm người khi cắt đi mối quan hệ tương hỗ với những người xung quanh.
Ubuntu là ở châu Phi, còn ở Việt Nam là "Ôi buồn tủi!"
Còn lời cuối của người viết là:”Đàng Ngoài đối xử với Đàng Trong hoàn toàn không có Ubuntu chút nào hết!”
Mai Thanh Truyết
Góp nhặt cát đá đó đây
Houston – Tháng tư 2024
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment