Tuesday, March 26, 2024

Một Ngày Của Tuổi Già: Mẹ Việt Nam Một Ngày Của Tuổi Già: Mẹ Việt Nam Tiếng lộp cộp lạc cạc bên ngoài phòng cho tôi biết là Bà đã thức dậy và đang đẩy xe lăn từng bước rất ngắn vào phòng tắm. Lúc đó vào khoảng 9 giờ sáng. Sau độ 15 phút, Bà lại lộp cộp lạc cạc lui “xe” và lần vào ghế cách đó độ vài bước. Hai tay nắm chặt cạnh bàn, Bà ráng gượng đứng dậy một cách khó khăn xoay người qua mặt bàn, rướn mình lên và ngồi vào ghế, cố gắng xoay người thêm một chút nữa cho ngay ngắn, và sau cùng lê chiếc chân mặt về cho thẳng thớm. Bà đã yên vị. Trước mặt Bà là một dĩa đồ ăn sáng thường ngày, một nhúm bún với thịt cắt từng sợi nhỏ bềnh bồng trong nước được điểm thêm những cọng hành nho nhỏ bên cạnh hai chiếc nĩa, một bằng nhựa và một bằng kim loại để lùa thức ăn vì Bà đã từng bị đột quỵ cách đây 10 năm và cơn đột quỵ tái diễn cách đây một năm. Cách xa dĩa thức ăn, có một tách nước ấm để kế bên một ly nhỏ bằng nhựa, trong đó chứa vài ba viên thuốc buổi sáng.Đó là phần ăn điểm tâm hằng ngày của Bà. Khoảng độ nửa giờ, nhắm chừng Bà ăn xong, đứa con gái út từ trên lầu bước xuống và nói “Má” qua phòng, mở TV xem lễ sáng và nghe Cha giảng. Âm thanh cộc lốc, ngắn gọn, và Bà lần bước qua phòng khách, dựa lưng vào thành ghế một mình trong tư thế di chuyển hết sức khó khăn. Nhưng Bà vẫn ráng và âm thấm cố gắng đưa thân mình một cách chậm chạp vào vị trí ngay ngắn trên chiếc ghế sofa. Tiếng nói trên TV bắt đầu. Và từ đó, căn phòng không còn nghe được gì nữa ngoài âm thanh của một buổi lễ trực tuyến. Bà ngồi trong thinh lặng, tôi vẫn không biết Bà có lắng nghe hay hồn để nơi đâu đâu. Quan sát Bà từ lúc thức giấc, đi làm vệ sinh lặng lẽ một mình, âm thầm “thưởng thức” buổi ăn sáng trong cô đơn, cuối cùng bước qua phòng khách. Thỉnh thoảng vài tiếng nói trên lầu vọng xuống thăm chừng bà trong vội vã của đứa con gái vừa làm việc ở nhà vừa chăm sóc bà nhắc bà đi ngủ … Đôi khi, Bà ngủ quên luôn trên ghế, nhưng thông thường sau độ một giờ sau khi xem lễ, bà lần lần từng bước, lặng lẽ đi vào phòng ngủ và…thao thức hay ngủ??? Xong một buổi sáng. Tất cả đã diễn ra trong sự yên lặng đáng sợ trong một ngôi nhà ngoại ô nằm bên bìa rừng của một thành phố nhỏ miền Đông Bắc Mỹ. Trong nhà, hầu như không có tiếng nói ngoài những câu độc thoại rất ngắn… Thỉnh thoảng phát ra vài tiếng người di chuyển trên lầu hay tiếng ghế kéo qua lại. Sau vài giờ và không có một thời khóa biểu nào nhứt định, tiếng nói quen thuộc hàng ngày vọng xuống “Má ra ăn trưa”. Và trên bàn, cũng một dĩa đựng thức tuy khác buổi sáng, nhưng vẫn là thức ăn sền sệt có cơm hay bún, có thịt heo hay gà (Bà không thích ăn thịt bò vì rất dai đối với Bà). Bên cạnh có một muỗng, một nĩa nhựa và một nĩa kim loại. Cũng một ly nước ấm, một ly nhựa chứa thuốc uống buổi trưa, điểm thêm một dĩa nhỏ đựng bánh hay trái cây tráng miệng.Sau đó, Bà lại lại khó khăn đứng dậy và vào phòng vệ sinh trước khi đi ngủ trưa. Một buổi ăn trưa âm thầm lặng lẽ qua đi! Buổi chiều cũng không khác gì buổi trưa. Cũng lặng lẽ bước ra sau khi nghe tiếng gọi ngắn gọn vọng xuống từ trên lầu. Cũng những động tác giống như buổi sáng lúc chào ngày mới. Bà vào phòng vệ sinh, lần ra bàn ăn, múc hay xỉa những món ăn có trong dĩa một cách vô hồn, ăn để mà ăn, chắc Bà cũng không biết đang ăn gì nữa. Có khác buổi sáng và trưa là ly nhựa đựng các thuốc uống cho buổi tối thôi. Và cứ thế ngày tháng thoi đưa, Bà sống như vậy năm nầy qua năm khác. Hậu quả của chứng đột quỵ và tuổi già làm Bà ngày càng đi đứng khó thêm, từ lúc hồi phục còn chống gậy đi đây đi đó trong nhà, tới lúc phải đi “walker”, và bây giờ dùng xe lăn bốn bánh di chuyển một cách rất khó khăn. Nguy hiểm nhứt là lúc chuẩn bị ngồi xuống ghế cạnh bàn ăn. Bà phải xoay người từ xe qua bàn, rướm mình bằng cách chống hay tay để kéo thân mình đứng lên một cách khó khăn vì cánh tay trái của Bà hầu như bị liệt. Vì là xe lăn bốn bánh dễ bị di dời và Bà không có khả năng để kềm giữ khi xoay mình qua bàn. Lúc nầy chính là lúc Bà dễ bị té và chung quanh không có ai kề cận. Cơm tối xong. Rồi cũng một vài động tác quen thuộc. Sau cùng lửng thửng lê thân già lần đẩy xe lăn, lặng lẽ vào phòng. Từ đó, cho đến sáng hôm sau, các động tác và sinh hoạt cho một ngày mới của Bà được tái lập lại. Hàng chục năm qua rồi. Quan sát Bà, tôi cảm thấy chạnh lòng. • Tuổi già cần được chăm sóc đặc biệt trong nhu cầu ăn uống, nhứt là những người có 3 chứng cao và 1 thấp: cao mỡ, cao máu, cáo đường, và chứng thấp khớp. Việc ăn uống cần có “diet” riêng và ăn uống cần phải có giờ giấc nhứt định, vì cơ thể người già khó có thể thích ứng với việc thay đổi thời khóa biểu. • Tuổi già cần có sự hiện diện thường xuyên của người thân chung quanh; • Tuổi già cần nghe những lời nói ngọt ngào yêu thương của người thân; • Tuổi già cần những người “biết lắng nghe” và “tỏ vẻ lắng nghe” những câu chuyện quá khứ thời xa xưa mà bất cứ người già nào cũng muốn kể ra mặc dù câu chuyện đã được kể hàng trăm lần đi nữa. Làm người, hay hơn nữa, là con cháu phải biết điều nầy. "Biết kiên nhẫn lắng nghe là liều thuốc an thần cho tuổi già." • Tuổi già cần sự chăm sóc đặc biệt. Xin đừng nghĩ “Tuổi già” còn tự làm được cho chính mình, để cho “Tuổi già” tự làm, đừng “spoiled” “Tuổi già”. Tất cả những điều trên, Tuổi Già cần được có, và xứng đáng được có vì HỌ đã hy sinh quảng đời thanh xuân để lo cho đàn con dại, nhứt là ở một miền đất xa lạ nầy, xa lìa cuống rún, không còn láng giềng thân thuộc chung quanh. Một thân một mình, không đồng ngôn ngữ mà vẫn can đảm, cắn răng bươn chải, đứng chờ xe buýt từ sáng tinh sương, mùa đông phải ráng bước lên bức tường tuyết hai bên lề đường để cho tài xế xe buýt thấy khách đứng chờ mà ngừng lại. Đó là BÀ MẸ Việt Nam! Hình ảnh muôn trùng nằm trong văn hóa Việt. Mong mỗi người còn mang dòng máu Việt, còn một chút nhất điểm lương tâm để trọn vẹn ôm trọn người Mẹ của mình, nhứt là trong thời điểm Mẹ không còn khả năng để tự lo liệu được. Không tội nào nặng hơn tội BẤT NGHÌ đối với đấng sinh thành của mình cả! Thời gian đi nhà thờ cầu nguyện hoặc đi chùa niệm Phật suốt cả đời cũng không bằng thời gian phụng dưỡng Mẹ già trong giai đoạn cuối đời. Mai Thanh Truyết Viết trong Mùa Lễ Lá 2024 https://maithanhtruyet1.blogspot.com/2024/03/mot-ngay-cua-tuoi-gia-me-viet-nam-tieng.html

No comments:

Post a Comment