Friday, April 7, 2023

 

 

 

MANG MẦU NHIỆM PHỤC SINH VÀO CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY

 

-Trong phụng vụ của giáo hội, việc cử hành các bí tích, và mùa chay – mùa phục sinh là những thời điểm đặc biệt để chúng ta tập chú vào những việc Chúa Giê-su Ki-tô đã làm cho chúng ta qua cuộc khổ nạn, cái chết, Phục Sinh và Thăng Thiên của Người. Chúng ta trải nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh không chỉ trong những thời gian này, nhưng là trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Mầu nhiệm Phục Sinh là năng lực bên trong cho tất cả những gì chúng ta làm và tất cả những điều chúng ta là. 

Điều này nghĩa là gì? Làm thế nào để tôi có thể trải nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh? Mầu nhiệm này cơ bản ảnh hưởng đến tôi ngày qua ngày như thế nào? Làm sao để tôi ý thức sự hiện diện của mầu nhiệm Phục Sinh trong cuộc đời mình theo một cách rất thật chứ không phải chỉ là một cái gì đó mà tôi biết? 

Trước hết, hãy nhìn vào mầu nhiệm Phục Sinh theo nghĩa chung, không phải theo nghĩa tôn giáo. Mầu nhiệm Phục Sinh căn bản là quá trình chết đi và sống lại, sự chết và sự sống mới. Chúng ta thấy điều này diễn ra xung quanh chúng ta và trong cuộc sống riêng của mỗi người chúng ta.

 

Ví dụ, chúng ta có kinh nghiệm quá trình chết đi và sống lại mỗi năm khi chúng ta trải qua các mùa khác nhau. Mùa hè là thời gian của sự cộng hưởng và cuộc sống; rồi chuyển sang mùa thu khi lá trên cây héo đi và rụng xuống, và nhiều thực vật khác dường như cũng chết. Mùa đông đến mang theo sương giá và sự lãnh lẽo làm dừng lại tất cả quá trình phát triển và cuộc sống. Nhưng sau mùa đông, khi mọi vật dường như đã chết, thì mùa xuân đến. Sự sống mới lại vây quanh chúng ta. Hoa thủy tiên và nghệ tây bắt đầu đâm lên khỏi mặt đất đã từng bị đóng băng. Những nhánh cây trơ trụi bắt đầu có lá mới.

 


Một ví dụ khác trong tự nhiên là quá trình mà nhiều nhân viên bảo vệ rừng hay dùng – phương pháp đốt có kiểm soát. Những khu vực xác định được đốt để cải thiện môi trường sống cho thực vật và động vật hoang dã. Thật khó để tin là từ những thân cây khô bị đốt héo, những cành cây cháy đen lại có thể trở thành một hệ sinh thái khỏe mạnh với cây cối và thực vật mạnh mẽ hơn. Vậy mà điều này chính xác đã xảy ra.


 Chúng ta cũng là một phần của tự nhiên. Chúng ta không chỉ trải qua các mùa và nhìn thấy quá trình chết đi sống lại, chúng ta cũng có sự chết đi và sống lại của riêng chúng ta. Thỉnh thoảng điều này hiển nhiên đã xảy ra – ví dụ, một người ông hoặc bà chết đi hoặc một đứa trẻ được sinh ra. Ngoài ra còn có những thứ khác kém rõ ràng hơn. Một kinh nghiệm về sự mất mát có thể có khi bạn cãi nhau to với một người bạn của mình và làm bạn cảm thấy buồn bực, hoặc bạn nhìn thấy một người mẹ vô gia cư cùng với một đứa con mà bạn không biết làm gì để giúp họ. Một kinh nghiệm về sự sống lại có thể là làm hòa với một người bạn làm tổn thương hay một ai đó làm tổn thương bạn, nói chuyện với gia đình bạn về người mẹ vô gia cư có đứa con nhỏ và phát hiện một tổ chức xã hội của Thánh Vinh Sơn Phaolô nơi có người hỗ trợ và các nguồn chăm sóc cho người vô gia cư. Những điều này chúng ta vẫn có trong đời thường. 

Và bây giờ, chúng ta hãy nhìn vào mầu nhiệm Phục Sinh trong ngữ cảnh niềm tin tôn giáo của chúng ta và cuộc sống của Chúa Giê-su, chúng ta cùng đào sâu ý nghĩa của sự chết và sống lại. Cuộc khổ nạn, cái chết, sự Phục Sinh và Thăng Thiên của Chúa Giê-su Ki-tô là sự kiện nền tảng cho sự chết và sống lại, của cái chết và sự sống mới. Chúng ta học được từ Chúa Giê-su rằng sự sống mới có thể đến từ sự chết. Chúng ta thấy được ý nghĩa này trong những lúc khó khăn và đó thật sự là ánh sáng trong bóng tối. Chúng ta học được rằng tất cả cuộc sống có nhịp điệu của sự chết đi và sống lại và Thiên Chúa luôn ở với chúng ta khi tốt cũng như khi xấu. Kinh nghiệm của Chúa Ki-tô về sự chịu đựng, cái chết và sự sống mới thay đổi chúng ta mãi mãi và cho chúng ta một cách sống khác. Cái chết không còn là cùng đích. Thêm vào đó, khi chúng ta gặp phải khó khăn gay go, chúng ta được an ủi vì biết rằng Thiên Chúa cũng đã như thế và Ngài đã hoàn tất, và sức mạnh hy vọng là sự sống mới sẽ đến từ cái chết. Ý thức về sự chết đi và sống lại của bản thân giúp chúng ta cảm nghiệm sâu xa hơn về lòng thương xót cho người khác và sự sẵn sàng để vươn tới. 

Hãy nghĩ về cuộc sống của bạn. Đâu là sự chết đi và sống lại mà bạn trải qua ngày hôm nay, tuần này, năm nay? Hãy suy ngẫm kinh nghiệm đó trong ánh sáng của Cuộc Thương Khó, Cái Chết, Sự Phục Sinh và lên trời của Chúa Giê-su Ki-tô.

 

No comments:

Post a Comment