Sunday, April 30, 2023

 

Làm Sao Mà Quên Được!

Không biết tự lúc nào sau ngày 30 tháng tư năm 1975, mỗi năm vào dịp nầy lòng tôi lại thêm một lần chùng xuống sâu hơn. Trước khi về hưu vào năm 2012, công việc hàng ngày vẫn chu toàn 8 giờ để trả nợ áo cơm, một vài giờ cho dịch vụ tư vấn về môi trường của tôi, cũng như thì giờ cho các buổi phỏng vấn hay ngồi suy tư và viết bài hoặc đi đó đi đây…tôi đã cảm nhận được một nỗi niềm u uẩn nào đó trong tôi. Nhưng bây giờ, mặc dù đã giã từ nợ áo cơm, nhưng niềm u uẩn trên vẫn tiếp tục còn trong tôi ngày càng…dai dẳng hơn thêm.

 

Tại sao lại có hiện tượng như vậy trong tôi?

 

Có lẽ, vì tuổi đời ngày càng cao, và niềm hy vọng về một ngày mùa xuân nở hoa trên quê hương còn xa vời vợi…cho nên nỗi buồn của tôi càng thêm ray rứt và dường như còn điểm thêm đôi nét tuyệt vọng trong tâm tư ….. (?)

 

Bỏ qua những ngày tháng nghiệt ngã sau 30/4/1975 lúc còn lại ở Việt Nam trước khi vượt biên, phải thành thật mà nói, lúc đó tôi không có thì giờ để “buồn” như hôm nay, vì miếng cơm manh áo và mãi lo “tìm đường ra đi” (cứu thân) cho một gánh nặng gia đình với 4 đứa con dại…

Bỏ qua những năm đầu tiên sống đời tị nạn, tôi cũng chưa thực sự quan tâm gì mấy cũng như không có thì giờ để buồn…như nỗi buồn hôm nay vì một đời sống tạm dung nơi xứ người.

Nhưng chỉ trong vòng 25 năm trở lại đây, khi gia đình tương đối ổn định và sau khi bắt đầu bước vào con đường tranh đấu cho Việt Nam qua ngã môi trường, tôi mới thực sự cảm thấy buồn. Và mỗi năm nỗi buồn đó càng se sắc hơn, ngậm ngùi hơn và sâu đậm hơn.

 

Buồn để mà buồn một mình!

Không thể nào nói tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn được. Mà tôi hiểu và hiểu rất rõ nỗi buồn thực sự của tôi vì hai lý do: – Đất Nước còn điêu linh, – và Bà con mình vẫn còn chìm đắm trong nỗi nhục nhằn làm công dân hạng hai cho một chế độ phản dân tộc chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam.

 

Nhìn lại những ngày bắt đầu từ giữa tháng tư năm 75, có thể nói cả thành phố Sài Gòn đang lên cơn sốt. Nào là chạy đôn chạy đáo thăm dò tình hình…mặc dù biết rằng miền Nam đang trong cơn hấp hối, nhưng cũng mong tìm và hy vọng một phép lạ. Nào là, đối với những người có chút tiền, lo chạy đi đổi tiền, làm…áp phe, hay do là tin tức tìm đường ra đi.

Tin tức đồn đãi nhiều khi trái ngược nhau, tin vui lẫn với tin buồn.

Nhưng nỗi buồn của tôi thực sự buồn khi rời trụ sở USAID ở đường Lê Văn Duyệt sau khi làm “thủ tục”…ra đi. Cầm tấm thẻ vô tri có hình của một “ông giáo trẻ” đầy nhiệt huyết, mà khi về lại Việt Nam năm 1973, nguyện sẽ làm một cái gì cho thanh niên Việt Nam. Tôi không thiết ăn cơm chiều hôm đó. Nếu tôi nhớ không lầm, đó là ngày thứ tư 09/4/1975.

 

Tới thứ hai tuần sau đó vào khoảng tuần lễ thứ hai của tháng tư, lên Đại học Cao Đài Tây Ninh, tôi lại được mấy anh chàng “CIA” trẻ đóng trên đài phát tuyến ở đỉnh Núi Bà cho tôi biết rằng ngày mai, họ sẽ rút về Mỹ và khuyên tôi nên rời bỏ quê hương qua một giọng Bắc rất rành rọt. Suốt các buổi lên lớp sau đó, tôi nói như người mất hồn, một tâm trạng mà chính giờ phút viết lên dòng chữ nầy, tôi lại thêm một lần “phiêu diêu” nữa.

 

Đi?  hay Ở?

Hai chữ nầy ám ảnh mãi nơi tôi trong suốt thời gian còn lại cho đến ngày 30/4 năm đó.

Hình ảnh Ba tôi lẩn quẩn trong đầu. Hình ảnh một ông giáo già đã về hưu từ lâu, căm cụi viết thư cho con mình đi du học mỗi buổi sáng thứ năm trong tuần, để rồi, sang sáng thứ bảy đem thư ra Bưu diện gữi đi cho kịp chuyến máy bay Air France bay về Pháp, để cho con mình nhận được thư đúng ngày thứ hai. Việc nầy xảy ra đúng như in, không hề sai sót suốt hơn hai năm trời sau khi tôi du học bên Pháp cho đến khi Ba tôi mất. Ba tôi mất ngày Chủ nhựt và thứ hai sau đó tôi vẫn nhận được thư ba viết trước khi nhận được điện tín của anh tôi.

 

Còn Má tôi. Một người mẹ già gặp lại và sống với con chưa đầy hai năm…Mà cũng chính trong thời gian nầy, tôi luôn bận bịu với những “đam mê” cho cuộc sống, chuẩn bị cho con đường “công danh” của mình… thì làm sao tôi có thì giờ chăm sóc hay hỏi han đến mẹ già. Và mỗi khi nhìn lại mình, chính tôi cũng phải tự thú rằng mình cũng không có thì giờ để nghĩ đến mẹ mình nữa trong thời gian nầy. Tôi thật có lỗi với má tôi nhiều và nỗi ân hận vẫn còn ray rứt mãi trong tôi. Và giờ đây, khi viết những dòng chữ nầy, tôi chỉ còn biết mỗi đêm nhìn ảnh mẹ để sám hối.

Trở lại thời gian giữa tháng 4 năm xưa. Tâm trí tôi luôn bị ray rứt với tâm trang nửa nửa Đi. Và tôi đã sai lầm khi quyết định Ở lại dù có đủ phương tiện để ra đi…

Cái sai lầm nầy cũng giống như cái sai lầm của người thầy giáo Tạ Ký khi đi học tập về cùng ngồi uống rượu với Gs Tôn Thất Trung Nghĩa và tôi tại Chợ Đuổi nằm tại góc đường Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp năm 1981 như sau:

Hai mươi năm mới biết chuyện xưa lầm.

Thì tuổi trẻ đã biến thành uất hận!”

 

Chiều thứ hai 28/4, khi một tên phi công (tôi không muốn nhắc tới tên nầy lên đây, vì làm sao tôi quên được tên những kẻ phản bội quê hương) dội bom dinh Độc Lập, và từ đó lịnh giới nghiêm 24/24 được ban hành. Tôi liền chạy lên nhà một người bạn vong niên trên cư xá giáo chức ở đường Tự Đức.

 

 Qua ngày thứ năm 1/5, lệnh trên radio yêu cầu (bắt buộc thì đúng hơn) mọi công chức phải đến trình diện tại trụ sở làm việc của mình. Sáng đó, tại cư xá có mặt Ông Khoa trưởng, Ông Phó Khoa trưởng và một số giáo sư, tôi và một giảng nghiệm viên tình nguyện vào Trường Sư phạm xem tình hình.

Mọi sự có vẻ êm xuôi vì “họ” chưa có người vào tiếp quản, ngoài một số “cơ sở” địa phương thôi. Nhưng một hình ảnh khác làm bẽ bàng và làm đão lộn những suy nghĩ tốt đẹp trong tôi khi nhìn thấy một số đồng nghiệp của mình mới chỉ vừa cách đây một ngày, nay đã mang “băng đỏ cách mạng” từ cung cách hướng dẫn chỗ để xe, cho tới thái độ trong lúc nói chuyện. Đáng phỉ nhổ nhứt là những người nầy ngày nào thưa anh, xưng em với tôi, mà nay trở mặt dương dương tự đắc tự xưng tôi, tôi, anh, anh một cách trơ trẻn.

Có những chị giáo sư thước tha, dịu hiền trong khi lên lớp mà nay ngoài băng đỏ, thậm chí còn để lá cờ vàng ba sọc đỏ dưới chân bàn đạp ga xe nữa. Và hơn nữa, có giáo sư trong suốt thời gian chưa đầy hai năm ngắn ngũi của tôi, đã xem tôi như “thần tượng” mặc dù biết tôi đã lập gia đình rồi, thường xuyên đi ăn uống chung; thậm chí đã dám cùng tôi “nhậu thịt chó” nữa…Người đó bây giờ là một “công thần” của chế độ.

 

Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt I ngày 22/9/1975, đổi 1đ tiền “chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam” tức tiền “ngân hàng Việt Nam” lấy 500 đ tiền Việt Nam Cộng Hòa hay “tiền Ngân hàng Quốc gia Việt Nam”. Người dân chỉ đổi được mỗi gia đình 100.000 đ mà thôi.

 

Làm sao tôi quên được cảnh đốt sách tại một khu phố ở Sài Gòn trong tháng 5/1975.

 

“Một cửa hiệu chuyên cho thuê truyện tại đường Huỳnh Quang Tiên bên cạnh nhà thờ Ba Chuông tại Phú Nhuận phát nổ khi đoàn thu gom sách mang băng đỏ xâm nhập tiệm. Ông chủ nhà sách mời tất cả vào nhà. Rồi một trái lựu đạn nổ. Chuyện xảy ra không ai ngờ. Đương nhiên là có đổ máu … Cả chủ tiệm cũng mạng vong”.

Câu chuyện ông chủ hiệu sách uất ức thà chết còn hơn nhìn “băng đỏ” gom và ném sách đi đốt chỉ là một trong những bi kịch của miền Nam sau 1975.

 

Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt II ngày 3/5/1978, đổi 1 đ “tiền thống nhứt XHCN” tức tiền “ngân hàng nhà nước” lấy 1 đ tiền “ngân hàng Việt Nam” và mỗi gia đình chỉ được đổi 100 đ mà thôi.

Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt III ngày 14/9/1985, đổi 1 đ tiền ngân hàng nhà nước cũ lấy 1đ tiền ngân hàng nhà nước mới (tiền thống nhứt Bắc Nam).

Làm sao tôi quên đượt lần đánh tư sản đợt I ngày 11/9/1975, cướp của và tịch thu nhà những người được cho là tư sản cùng bắt đi vùng kinh tế mới. Chiến địch nầy gọi là X1.

Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản đợt II, tức chiến dịch X2, từ tháng 3/1978 tới cuối năm 1990 nhắm vào tư sản tiểu thương, những nhà tiểu thủ công nghệ, ước tính trên 14.000 gia đình tại Sài Gòn.

Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản đợt III tức chiến dịch X3, song hành với chiến dịch X2 tại Sài Gòn nhằm mục đích trục xuất người củ ra khỏi nời ở và điền khuyết vào bằng gia đình cán bộ ngoài Bắc vào. Đây là một âm mưu thâm độc nhằm “Bắc kỳ hóa” thành phố Sài Gòn. Tính đến tháng 9/1989, ước tính có đến 950.000 người bị đuổi khỏi Sài Gòn, và có khoảng 150.000 gia đình cán bộ Bắc Việt được điền khuyết vào.

Làm sao tôi quên được những đợt học tập cải tạo, đáng kể nhứt là đợt cuối cùng vào tháng 6/1975, kêu gọi công quân cán chính tập trung mang theo lương thực cho một tháng…để rồi tất cả bị lường gạt và phải chịu lao động khổ sai từ một hai năm cho đến hơn 17 năm đối với những cán bộ hành chánh và quân đội cao cấp của Việt Nam Cộng hòa….

Trên đây, xin diễn lại bức tranh vân cẩu chập chùng những ý nghĩ lộn xộn trong những ngày quốc phá gia vong. Xin chia xẻ cùng bà con.

 

Đây không phải là lời tự thú hay than thở, hay nói về mình.

Nơi đây tôi chỉ muốn nói lên vài điều suy nghĩ của một người con Việt mà thôi.

Đó là:

·       Truyết, đừng bao giờ mơ tưởng những cộng sản Bắc Việt là người Việt Nam.

·       Matin Luther King từng nói: "Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt"… 

Từ đó, tất cả người con Việt và Tuổi Trẻ trong nước cùng vùng lên, …đứng dậy đòi lại quyền sống và quyền làm người theo Điều 3 của luật Quốc tế Nhân quyền “Mọi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân”. Giai đoạn nầy là cơ hội ngàn vàng cho chúng ta, những người con Việt trong và ngoài nước …làm LỊCH SỬ.

Hãy hẹn ngày chúng ta về dựng lại cờ trên Cổ thành Quảng Trị!

Niềm hy vọng trên sẽ là một quyết tâm khiến mỗi người trong chúng ta tiếp tục giữ ngọn lửa thiêng của Dân Tộc.

Giờ khởi hành đã điểm!

 

Mai Thanh Truyết












 



Thursday, April 27, 2023

  

Đôi Lời Nhắn Gởi

Nhìn lại bối cảnh Việt Nam đang đi vào thiên kỷ thứ ba, chúng ta thấy rằng mặc dù có nhiều cố gắng trong việc giải quyết một số vấn đề kinh tế của đất nước, thí dụ như nạn lạm phát được kiểm soát tương đối chặt chẽ và việc chuyển hướng mở cửa giao dịch với thế giới bên ngoài làm cho Việt Nam không còn bị cô lập như trước kia nữa.

       Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn lúng túng trong những toan tính giải quyết nạn nghèo đói của dân, trì trệ của nền kinh tế quốc gia cùng lúc với những nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, giáo dục, bảo vệ tài nguyên và môi sinh của đất nước.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam hiện đang đứng trước hai nhu cầu đối nghịch nhưng vô cùng cấp bách: Nhu cầu phát triển công nghệ sản xuất để sinh tồn và nhu cầu giải quyết các phế phẩm để giữ sạch và làm sạch môi trường do chính phát triển và do dân số gia tăng gây ra. (Nhu cầu giải quyết gia tăng dân số quá nhanh hay hạn chế sinh sản là một vấn đề bức thiết cần được lưu tâm và giải quyết ưu tiên nhưng không nằm trong phạm vi bài tham luận nầy).

Vấn đề là làm thế nào để có một cân bằng hài hòa cho hai nhu cầu phát triển và bảo vệ môi trường để từ đó hội nhập vào tiến trình phát triển tòan cầu.

·       Nếu đặt trọng tâm vào nhu cầu phát triển và coi nhẹ nhu cầu giải quyết môi trường sẽ là một đại nạn cho Việt Nam trong một tương lai rất gần. Và nếu làm như thế, thế hệ hôm nay không những làm cạn kiệt tài nguyên của đất nước mà còn hủy hoại môi trường sống của thế hệ tương lai.

·       Nếu trái lại, đặt ưu tiên hàng đầu cho việc bảo vệ môi sinh và làm chậm mức phát triển thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân và đất nước sẽ chìm đắm trong nghèo đói lạc hậu. 

Những nhà dự phóng tương lai cho Việt Nam sẽ là những người thật sáng suốt, thực tâm yêu nước và có tầm nhìn nhân bản đứng trên mọi chủ thuyết và định chế chính quyền. Vì vậy, những người có trách nhiệm với Đất và Nước Việt Nam ngày hôm nay cần phải thấu hiểu và thấm nhuần một số căn bản trong việc thanh lọc nguồn ô nhiễm tại Tâm.

Lòng tham: Một phương pháp đề nghị để thanh lọc những Ô Nhiễm trong tâm hồn của con người là dẹp bỏ lòng THAM của con người. Đức Phật dạy rằng THÂN, MIỆNG, Ý của con người hằng ngày thường tạo ra mười ác nghiệp:

·       Ba nghiệp về Thân là: Sát sanh, Trộm cắp, Tà dâm;

·       Bốn nghiệp về Khẩu là: Nói dối, Nói lời đâm thọc, Nói lưỡi hai chiều, Nói lời ác                                                                                                                                            khẩu.

·       Ba nghiệp về Ý là:  Tham, Sân, Si.

Trong mười nghiệp trên, nghiệp THAM là một trong những nghiệp nặng, vì Tham thuộc về Ý, mà Ý luôn luôn sai sử con người tạo tác ra mọi việc. Người xưa thường nói “Túi tham không đáy”. Vì tham con người có thể làm đủ mọi việc vô lương tâm để đem đồng tiền về nhét cho đầy túi tham của mình. Nhưng vì túi tham không đáy nên có bao nhiêu nhét vào cũng không đủ.

Thử bảo các nhà Đại Tư Bản: “Mỗi ngày các ông kiếm ra hằng triệu Dollars, đủ rồi, hãy ngưng đi.” Các ông ấy có ngưng không, hay kiếm được một triệu Dollars, các ông sẽ nghĩ cách làm sao mỗi ngày kiếm ra hai triệu Dollars bằng những phương pháp “Khoa Học(!)” hơn. Nhưng kiếm ra nhiều tiền để làm gì? Mỗi ngày các ông có ăn quá ba bữa cơm không? Mỗi đêm các ông có ngủ quá một chiếc giường không?

Những nhà nuôi súc vật để cung cấp thịt càng ngày càng chích những loại Hormone hoặc những loại thuốc kỳ quái vào cơ thể những con vật để cho nó tăng trọng nhanh. Chẳng cần biết hậu quả là những người tiêu thụ các loại thịt đó sẽ bị mang những chứng bệnh lạ lùng không thuốc chữa.

Những nhà làm phim ảnh, TV cũng vậy. Hằng ngày họ đầu độc con người, thanh thiếu niên bằng những loại phim dâm ô, kinh dị, những loại phim kích động lòng ham muốn đâm chém, bắn giết, đánh đấm lẫn nhau để làm trò vui. Họ làm ô nhiễm đầu óc trẻ em bằng những phim Hoạt Hình quái dị. Hằng ngày họ càng sáng tạo ra những con vật quỹ quái, dị thường rồi cho đi giết chóc tàn phá bằng những phương pháp “khoa học”. Thử hỏi đầu óc thơ ngây, trong sạch của trẻ em hằng ngày bị ô nhiễm bởi những hình ảnh kỳ quái, những tư tưởng giết chóc như thế thì thế hệ trẻ em đó lớn lên sẽ làm gì? Không cần đợi lớn lên, ngay bây giờ chúng ta cũng đã từng thấy những trẻ em mang súng vào trường bắn giết đồng bạn y như trên phim ảnh, trên TV. Tất cả chỉ vì lòng tham không đáy của những nhà làm phim ảnh, làm TV.

Pháp sư Tịnh Không, một vị Pháp sư đạo cao đức trọng hiện ở Đài Loan, trong loạt bài giảng về kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Bình Đẳng Giác Kinh, Ngài nói: Không một cường quốc nào có thể đánh bại nước Hoa Kỳ. Nước Hoa Kỳ chỉ bị đánh bại bởi TV của chính nước họ mà thôi.

Biên kiến: Một nguyên nhân khác làm Ô Nhiễm tâm hồn của nhân loại là Biên Kiến. Theo Phật giáo Biên Kiến là sự chấp thủ vào một nhận thức của mình, và cho rằng chỉ có nhận thức của mình là đúng, là chân lý, còn những nhận thức của kẻ khác đều là sai lầm. Điều này chính những tín đồ của các Tôn Giáo cũng góp phần không nhỏ vào “biên kiến” ấy. Thiền sư Nhất Hạnh nói rõ vế vấn đề này trong quyển “Tương Lai Văn Hoá Việt Nam” như sau: “Chúng ta có quyền theo đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho, đạo Cơ Đốc, đạo Cao Đài hoặc theo chủ nghĩa Mác Lê… Nhưng chúng ta không có quyền cho rằng chỉ có nếp sống ta mới có tính cách dân tộc, còn những tập đoàn khác là phi dân tộc, là phản động, là không yêu nước.”

·       Đến thế kỷ thứ 21 nầy, mà còn có những người nhân danh tôn giáo mình để bắn giết những người theo Tôn Giáo khác vì cho rằng chỉ có tôn giáo mình là đúng còn những ngươì theo tôn giáo khác là tà ma ngoại đạo!

·       Đến thế kỷ thứ 21 nầy, mà còn có những người ôm mớ tín điều hết sức sai lầm của Karl Marx ở thế kỷ thứ 18, rồi tự xưng mình là “đỉnh cao trí tuệ loài người”, để bắt mọi người phải theo cái suy nghĩ sai lầm của mình. Đã mù mà còn đòi dắt đường. Đó là Biên Kiến, một hình thức của ô nhiễm trong tâm hồn.

·       Thậm chí khi biết mình đã sai lầm, phải đổi hướng chạy theo những tiến bộ của nhân loại mà vẫn cố bám víu lấy biên kiến của mình rồi sáng tạo ra những từ ngữ què quặt.  “Kinh-tế-thị-trường-theo định-hướng-xã-hội chủ-nghĩa” là một thí dụ. Ai cũng biết rằng “Kinh Tế Thị Trường” là một đường lối kinh tế theo chủ nghĩa Tư Bản (Kẻ thù của chủ nghĩa Cộng Sản); còn Xã hội chủ nghĩa là con đẻ của chủ nghĩa Cộng sản, chủ trương kinh tế tập trung).

Thế nhưng dưới tấm bảng chỉ đường của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đất nước càng ngày càng lụn bại. Sau khi lên nắm chính quyền năm 1975, cường quyền đã đưa một đất nước đứng nhất nhì ở Đông Nam Á thành một trong những đất nước nghèo nhất thế giới (chỉ hơn một vài nước ở châu Phi). Để sửa đổi sai lầm đó, đám chóp bu CSV cho thay đổi chính sách kinh tế thành Kinh Tế thị Trường. Nhưng để đở hổ thẹn, hay để chống chế, nhà nước CS sáng tạo ra cụm từ “Kinh-tế-thị-trường-theo-định-hướng-xã-hội-chủ-nghĩa”.

Hãy tưởng tượng đất nước Việt Nam như một cổ xe ngựa do hai con ngựa kéo với hai càng xe ở hai đầu. Con ngựa Xã Hội Chủ Nghĩa kéo đi về hướng Tây; con ngựa Kinh Tế Thị Trường kéo đi về hướng Đông. Kết quả cổ xe đó đi về hướng nào hay chỉ đứng lì một chỗ. Muốn cổ xe chạy được thì phải thí bớt một con ngựa. Thế là nhà nước CSBV cho giết chết con ngựa Xã Hội Chủ Nghĩa (nhưng không dám lên tiếng), vì trong mấy năm qua con ngựa này đã chứng tỏ không làm được việc.

Giết chết nhưng không chịu mang xác con ngựa Xã Hội Chủ Nghĩa ra đem chôn. Vẫn đề con ngựa Kinh Tế Thị Trường ì ạch kéo cổ xe kèm theo cái xác chết của con ngựa Xã Hội Chủ Nghĩa ngay từ khi đổi mới năm 1986.

Đó là kết quả sai lầm của Biên Kiến. Biết sai mà vẫn nắm chặt lấy chủ nghĩa của mình. Biên kiến là một yếu tố làm ô nhiễm tâm hồn. Muốn tẩy sạch ô nhiễm trong tâm phải dứt khoát dẹp bỏ biên kiến.

Luật Nhân quả: Luật nhân quả đối với đạo Phật rất quan trọng. Không có việc gì là không có nguyên nhân của nó. Lũ lụt, hạn hán là do đốn cây rừng, là do xây hồ thủy điện, là do xây dựng đê bao không đúng kỹ thuật... Tầng Ozone bị phá thủng là do con người thải những hóa chất độc hại lên không gian. Nước uống bị nhiễm độc là do con người thải ra sông, biển những chất phế thải ô uế của mình như phân, nước tiểu, độc tố hoá học của các xưởng kỹ nghệ. Không khí bị đầu độc là do khói từ xe hơi, từ các nhà máy sản xuất những mặt hàng cho con người hưởng thụ.

Ngoài ra, các nước Tư Bản giàu có hay tống khứ những hoá chất độc hại phế thải của họ đến các nước nghèo chậm tiến ở Á Phi. Họ tưởng rắng sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm ở đất nước họ. Nhưng sự thật trái lại. Họ đã lầm, luật nhân quả cho biết rằng họ sẽ phải gánh chịu lấy những hậu qủa đó.

Thực tế cho thấy rằng sau khi những chất độc hại được đổ xuống vùng biển của các nước Á Phi thì cá tôm của những vùng đó bị nhiễm độc. Một số lớn cá tôm bị chết. Số còn lại bị nhiễm độc nặng, sẽ được ngư dân ở vùng đó đánh bắt và xuất cảng ngược lại vào các nước tiên tiến, và chính họ, những người đã đổ những chất độc hại xuống biển lại ăn những con cá tôm nhiễm độc đó. Gần đây những cơ quan như California Department of Health Services và những cơ quan tương tự đã đưa ra những khuyến cáo dân chúng đừng ăn những loại cá mà họ thấy rằng đã bị nhiễm độc. Rõ ràng là nhân nào quả nấy.

Để kết luận, vấn đề ô nhiễm đã được thế giới đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Những Hội nghị về giải quyết Ô Nhiễm môi sinh đã được Liên Hiệp Quốc tổ chức. Nhiều nhà khoa học trên thế giới ngày đêm dùi mài tìm những phương thức để giải quyết. Những nhà lãnh đạo Tôn giáo như Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã kêu gọi nhân loại quan tâm đến vấn đề Ô Nhiễm. Các Ngài kêu gọi nhân loại để cứu độ MẸ ĐẤT vì quả tình trái đất này, hành tinh xanh này đã nuôi nấng ta như một bà Mẹ.

Xin được nêu lên những lời dạy của Đức Phật về nguyên nhân sâu xa của vấn đề ô nhiễm, đó là TÂM ô nhiễm của nhân loại. Muốn giải quyết vấn đề ô nhiễm một cách rốt ráo không gì hơn là thanh lọc Tâm của con người.

·       Bao lâu con người chưa nhận chân được giá trị của Luật Nhân Quả,

·       Bao lâu con người chưa gội rữa được lòng THAM vô tận,

·       Bao lâu con người chưa gội rữa được những BIÊN KIẾN,

·       Bao lâu con người chưa bỏ được lối sống ích kỹ, con người chưa có thể giải quyết được vấn đề Ô Nhiễm Môi Trường một cách rốt ráo.

 

Hãy thanh tịnh Tâm để cứu độ Mẹ Đất.

Hãy thanh tịnh Tâm để cứu độ lấy hành tinh xanh của chúng ta.

  

Nếu những người cầm quyền hiện tại thấy và hiểu những vần nạn môi trường cũng như cung cách phát triển èo uột của đất nước trong suốt 35 năm như đã được trình bày qau những trang giấy trên.

 

Và nếu họ còn chút nhứt điểm lương tâm để nhận lảnh trách nhiệm của những sai lầm trong quá khứ, chắc chắn người dân Việt, với tấm lòng vị tha, sẽ cùng nhau phối hợp xây dựng lại quê hương từ đầu.

 

Mong lắm thay!

 Xây dựng Đất và Nước là trách nhiệm chung của mọi người chứ không phải là trách nhiệm riêng tư của những nhà khoa học, nhà lãnh đạo tôn giáo, hay của một đảng lãnh đạo.