Xin giới thiệu một bài
viết của Nguyễn Thị Ngọc Dung, Cựu CT Cộng đồng Vancouver.
Bài viết nhẹ nhàng nhưng
không che dấu được những đường nét sâu sắc và một lập trường dứt khoát với chế độ
hiện tại ở Việt Nam.
TÌM, BIẾT TÌM ĐÂU, ĐÂU
GIỜ?
Nguyễn Thị Ngọc Dung
Hè Vancouver 2021 quả là một
mùa hè … khó quên. Đặc biệt, với cái nóng khủng khiếp chưa từng có. Không phải
chỉ là “cái nóng nung ngưòi, nóng, nóng ghê” của Nguyễn Khuyến thuở trước. Cũng
chẳng phải mùa hè lãng mạn trong “La Dernier baiser” Mà là một mùa hè nóng lạ
lùng… Một hiện tượng hiếm ở Canada. Càng hiếm hơn, đối với Vancouver, nơi vốn
mát lạnh xưa nay. Thường thường mùa hè có nóng lắm thì cũng chỉ vào khoảng 25,
26 độ C. Lâu lâu mới có ngày 28, 29 độ C. Ấy thế mà năm nay đã có một vài ngày
“trời hành cơn… nóng” dữ dội. Nóng đến… chết người. Có những người (già) đã chết
vì nóng. Khiến Vancouver trở nên khác thường, chẳng giống… ai. Gần 50 độ C !
Người ta chạy đi mua quạt điện, và máy điều hoà không khí. Nhiều chỗ không còn
để mua, hay bán.
May thay, tình trạng này đã chấm
dứt sau vài ngày, để chỉ còn lại những ngày hè bình thường như nhiều nơi khác.
Phải chăng “climate change” đã làm xáo trộn tình hình thế giới ?. Thói quen huỷ
hoại môi trường, vô tình, nhưng cũng khó bỏ. Rồi có lúc môi trường cũng phải phản
ứng lại. Khoa học tiến bộ, kỹ thuật ngày càng “hiện đại”. Người dân ngày càng
trở nên văn minh. Càng văn minh lắm, càng…oan trái nhiều. Mặt khác, cũng có vấn
đề “side effect” trong cái tối tân. Chưa hẳn đã là hoàn hảo.
Dù sao đi nữa, Vancouver vẫn
còn là nơi tạm gọi là lý tưởng. Thời tiết đã trở lại với cái nóng bình thường.
Mọi chuyện gay go rồi cũng qua. Chỉ còn vấn đề đại dịch. Đã đỡ nhiều. Canada đã
mở cửa trở lại. Nghe mà phấn khởi. Nhưng dịch vẫn chưa dứt hẳn. Dứt sao được,
khi chung quanh còn những “biến thể” lây lan. Nhìn qua nước hàng xóm cũng đủ thấy:
Vẫn không thể lơ là. Các tỉnh bang Canada cũng đã nới lỏng và mở cửa cho quốc tế.
Và điều này đã được thực hiện vào giữa tháng 8. Nhưng với tình thế mới, biến thể
delta đang lan tràn dữ dội các nơi, cũng đủ thấy ngán ngẩm. Dù Canada chưa thấy
động tĩnh gì (?). Nhưng chẳng dám ỷ y.Vẫn biết rằng điều quan trọng là ai nấy
biết giữ gìn sức khoẻ thể chất và tinh thần. Kèm theo một lối sống lạc quan.
Nhưng sự thật không đơn giản cho những người dân sống tại đất nước chưa hoàn
toàn phát triển. Thiếu một hệ thống xã hội lành mạnh; để có thể bảo đảm một đời
sống ấm no. Trong đó, vấn đề dân sinh, dân quyền của dân được tôn trọng. An
ninh y tế và xã hội được quan tâm. Oái oăm hơn nữa, trong hoàn cảnh đại dịch hiện
nay, tình trạng của những người đầu tắt mặt tối, vì miếng cơm manh áo quả thật
đáng thương. Làm sao có thể “thân tâm an lạc” được, khi còn phải “toát mồ hôi”
vì chạy ăn từng bữa” nuôi gia đình? Nhất là trong lúc đại dịch thế này, muốn
“toát mồ hôi để kiếm sống”, để có được miếng cơm cũng không phải dễ. Những người
sống bằng nghề bán vé số, phụ hồ, lái xe ôm, buôn bán lẻ trên vỉa hè…v…v…Có ai
lo cho, lúc này?
Có lẽ chưa bao giờ, người ta lại
ý thức rõ hơn lúc này, thế nào là một chính phủ thực sự là “của dân, vì dân và
do dân” (*). Càng biết ơn lòng nhân đạo của những đất nước không cùng màu da. Đồng
thời, thương cho những hoàn cảnh kém may mắn của những người sống trong một đất
nước cùng dòng máu. Nghĩ lắm càng bế tắc. Chẳng làm gì được cho ai, thì cũng chỉ
mong những điều tốt đẹp, may mắn, và niềm vui (tạm) đến với mọi người, mọi nhà.
Cùng với sự chuyển biến của
tình hình dich bệnh, con người nhiều lúc không khỏi cảm thấy bất lực. Cứu trợ
cá nhân như muối bỏ biển. Sức người nhỏ bé quá!
Còn được bước trên đường phố
thênh thang. Còn được hưởng cái đẹp của thiên nhiên với không khí trong lành,
và những cơn gió mát mẻ, thì còn hạnh phúc. Không có gió thoảng, không phải
Vancouver. Tạm gác suy tư sang một bên, lợi dụng thời tiết đẹp, bạn bè rủ nhau
tìm nơi vắng vẻ, thoáng mát để “picnic” trong lúc này cũng là một niềm vui.
Thiên nhiên sẵn đấy. Trời nước một màu xanh lơ. Dẫy núi xa xa cũng một màu xanh
thắm. Đỉnh núi viền mây trắng. Trông thật nên thơ. Một vài con tàu lướt sóng tới
lui. Êm đềm. Cũng là một ngày vui trong vạn ngày…buồn. Nỗi buồn bó cẳng, vì…đại
dịch. Đại dịch chưa hết, đã lại “biến thể “và đang lây lan, khi người ta lơ là!
Bảo rằng hãy tạm quên đi thực
tế trong giây lát; mà nào có được. Mỗi
khi phải bó tay, ngồi nhìn đại dịch giở trò,
tôi cảm thấy chính mình cũng không tránh khỏi ý nghĩ nửa ưu tư, nửa khôi
hài …Rằng, chưa có thời buổi nào như thời buổi ngày nay. Chưa có cơn đại dịch
quái lạ nào như đại dịch đầy… kịch tính này: “Nó” đến thình lình, không ai biết
trước. Ẩn hiện, biến hoá khôn lường. Đại dịch không phân chia biên giới, màu
da, ngôn ngữ, tuổi tác hay nghề nghiệp. Khiến con người không biết đâu mà lường.
Người xưa thường nói ” Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng”. Ngày nay
con người đã không thể tự biết mình (có bệnh hay không). Cũng không thể “khôn
ngoan” đủ để biết người, hầu có thể “thắng”, hay ít nhất để …tránh khỏi nhiễm bệnh.
Ngày xưa thường khuyên nhủ con người trong xã hội, nên đối xử nhân ái với nhau.
Cởi mở, thân thiện lúc còn sống. Tử tế, đại lượng khi ngưòi quen đã qua đời.
“Nghĩa tử là nghĩa tận”. Thế mà bây giờ, vì đâu nên nỗi, khiến cho tất cả … nền
nếp xưa đã không còn nữa? Hết rồi những cái bắt tay, những câu chào hỏi, những
lời thì thầm bên tai. Hết rồi, cử chỉ thân thiện, những cái bá vai, quàng cổ,
những cái “hug” thân tình. Con người bây giờ dường như vô tình với nhau. Lại
như không tin ai. Không giao du. Không mời mọc ăn uống … như xưa. Gia đình, bạn
bè, đồng nghiệp, họ hàng, người quen…Tất cả, dường như chẳng ai thân thiện với
ai, và đã hết tình cảm với nhau, đã không còn tin nhau nữa thì phải ? Thậm chí,
khi bị bệnh cũng không viếng thăm. Lúc nhắm mắt cũng không người đưa tiễn. Từ
người nổi tiếng cho đến kẻ thường dân. Sao cuộc đời bỗng dưng…buồn thế? Chưa
bao giờ thái độ người đời đã “thay đổi” đến như vậy. Cái dịch này chẳng khác gì
“dịch” đổi đời, đổi tiền năm xưa. Thoáng một cái đã gần nửa thế kỷ. Tưởng như mới
ngày nào. Ngỡ ngàng. Đảo lộn. Điêu đứng. Ở đây chỉ khác là “nhân vật” tai ác ấy
lại …vô hình; và biến hoá … thiên vạn trạng ! Đảo lộn cả giáo dục, nếp sống, nếp
sinh hoạt, và suy nghĩ của con người. Những ngày sau 1975, người ta cũng chẳng
ai dám tin ai. Mạnh ai nấy tìm đưòng trốn chạy. Đến trường, hôm nay còn đầy đủ
bạn bè, đồng nghiệp. Ngày mai và những ngày kế tiếp, thấy vắng bóng, là đã hiểu
ngay…Bây giờ cũng gần như thế. Nhưng tệ hơn ở chỗ chẳng ai dám đến nhà ai để hỏi
thăm. Hôm qua vừa nói chuyện, hôm nay đã vắng bóng. Trong lòng đã sinh nghi,
cũng không dám đến gần, hỏi thăm. Vấn đề tế nhị. Gia đình nào có ngưòi bệnh
cũng giấu, như nhà có ngưòi vượt biên! Đúng là không cái khổ nào giống cái khổ
nào. Bây giờ chuyện cũ đã xa xưa., thời nay người ta cũng khổ; nhưng là kiểu
khác. Cũng không ai dám… tin ai (là có bệnh hay không có). Kể cũng buồn, người
bệnh chẳng tội tình gì mà cũng phải bị…giam cầm trong bốn bức tường. Chẳng làm
gì phạm pháp mà cũng phải bị đày đoạ đến …khó thở ? Không buồn không được!
“Thái độ xa cách” của người quen, phải chăng dần dần có ngày sẽ đã trở thành
thói đời …tệ bạc?
Nhưng, nào có phải như thế.
Con người ta đâ đã đến nỗi táng tận lương tâm đến thế? Chẳng qua “gặp thời thế
thế, thời phải thế”. “Thời” ấy, là thời Covid”. Thế” ấy, là thế bi quan. Nhìn cảnh
khổ diễn ra hàng ngày khó tránh khỏi ưu tư để khỏi triết lý vụn , hay bi thảm
hoá cuộc đời. Nhưng rõ ràng, sống trong đại dịch, con người bỗng dưng cũng phải
thay đổi thái độ để thích ứng với hoàn cảnh. Ai cũng hiểu rằng thờ ơ, lạnh nhạt,
không tin nhau; hay dè dặt, không tới gần nhau v.v… ấy, chỉ là một lối nói. Và
thái độ ấy, trong lúc này lại là điều cần thiết. Nhất là khi không còn có lựa
chọn nào hơn. Cuộc đời vốn đã vô thường, lại càng vô thường hơn. Thận trọng
chính là thái độ khôn ngoan, của người có ý thức và hiểu biết. Bây giờ, thương
ai cũng chỉ để trong tâm. Ngậm ngùi, và cầu nguyện vậy. Nhưng may quá, con người
xem ra cũng còn một lối thoát. Ấy là, đại dịch chưa đến nỗi…lây lan qua
internet, facebook, điện thoại, laptop computer hay email. Nhờ vậy, xem ra, còn
đưọc an ủi rất nhiều. Mọi sự thương xót, nhớ nhung, tiếc nuối cũng đành, không
ai dám biểu lộ bằng hành động thăm viếng, như xưa kia đã từng. Tình thế như vậy,
biết làm sao hơn?
Một điều thú vị nữa là, trên
thế giới có biết bao nhiêu nền văn hoá khác nhau, ngôn ngữ khác nhau. Thế mà,
chỉ …nhờ đại dịch, con người khắp nơi trên thế giới, bỗng kết hợp thành một khối
vô hình. Cùng chống kẻ thù chung là covid-19. Cùng lắng nghe theo một định luật
chung, căn bản nhất, và cần thiết nhất, là: Ngừa dịch bệnh, phòng chống lây nhiễm.
Chưa bao giờ, người trên thế giới lại thống nhất với nhau về một điểm chung như
thế. Trong khi ấy, cũng không tránh khỏi những thái độ đối nghịch một cách lạ
lùng (không tin có đại dịch, không tin vào sự cần thiết phải phòng ngừa, xúi
người khác đừng đi chích, đừng đeo “khẩu trang” . Cho đến khi chính bản thân bị
thiệt thòi. Thật đáng tiếc.
Cho đến giờ phút này, không có
ít người hiểu rằng, con người không thể sống cô lập. Và, chuyện lây lan là chuyện
tất nhiên của cơn dịch nguy hiểm này. Kiêng cho mình là kiêng cho cả người
thân, và cho cả những người chung quanh. Bây giờ hơn lúc nào hết, quan niệm
xưa:
Yêu em,
anh để trong lòng,
Viêc
quan, anh cứ phép công anh làm…
vẫn chí lý.
Đại dịch đã như thế. Con người
trong hoàn cảnh ấy lại càng nên sáng suốt … như thế. Âu cũng là một sự đổi đời,
hay ít nhất là đổi mới. Gần như toàn diện. Từ nhân sinh quan cho đến cách sống.
Tất cả những sự đổi mới ấy chỉ là bất đắc dĩ, nhưng cũng có thể có cái hay, vì
lợi ích chung của cộng đồng nhân loại. Sau bao lần…mừng hụt, người ta trở nên
kiên nhẫn hơn. Chờ đại dịch qua hẳn, hay là (có thể phải ) sống chung một bầu
trời với chúng. Nhưng, vẫn tin tưởng rằng “ngày mai trời lại sáng”. Kẻo nếu
không, thì “tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ”, những ngày vui đã qua?
Nguyễn thị Ngọc Dung
Vancouver, mùa đại dịch, 2021
Cám ơn tác giả. Chưa bao giờ bản chất vô thường của cuộc sống lại biểu hiên một cách rõ nét như trong cơn đại dịch này! Làn ranh giữa cái chết và sự sống qúa mong manh. Covid-19 thay đổi hầu như toàn bộ cuộc sống của nhân loại!
ReplyDeleteBài viết nhẹ nhàng mà thật hay. Cơn đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cuộc sống cả nhân loại. Chúng ta tạm thời chấp nhận để tìm cách thoát khỏi gọng kìm của nó. Nhưng quan trọng hơn cả là tìm hiểu, truy lùng xem Covid-19 từ đâu mà ra, do thiên nhiên hay nhân tạo, cần nhấn mạnh là nó từ Trung Quốc mà hiện ra và chính TQ dấu nhẹm hay cố tình dấu nhẹm (Có thể do TQ là chính phạm). Bài học đau thương nầy cần phải khắc phục bằng mọi giá để trở lại cuộc CUỘC SỐNG NGÀY XƯA. Trong cái hoạ có cái phúc, con người trên hành tinh nầy biết đoàn kết để chống nó, chia sẽ vaccine cho nhau, cùng truy tìm hung thủ (vì Civid-19 không phải do thiên nhiên mà ra, mà do nhân tạo xuất phát từ Vũ Hán.
ReplyDeleteĐi tìm nguồn gốc 'virus Vũ Hán':
https://www.bbc.com/vietnamese/world-55390096