Cảm Nghĩ Về Ngày 30 Tháng Tư

Tại sao lại có hiện tượng như vậy trong tôi?
Có lẽ, vì tuổi đời ngày càng cao, và niềm hy vọng về một ngày mùa xuân nở hoa trên quê hương còn xa vời vợi…cho nên nỗi buồn của tôi càng thêm ray rứt và dường như còn điểm thêm đôi nét tuyệt vọng trong tâm tư ….. (?)

Bỏ qua những năm đầu tiên sống đời tị nạn, tôi cũng chưa thực sự quan tâm gì mấy cũng như không có thì giờ để buồn…như nỗi buồn hôm nay vì một đời sống tạm dung nơi xứ người.
Nhưng chỉ trong vòng 25 năm trở lại đây, khi gia đình tương đối ổn định và sau khi bắt đầu bước vào con đường tranh đấu cho Việt Nam qua ngã môi trường, tôi mới thực sự cảm thấy buồn. Và mỗi năm nỗi buồn đó càng se sắc hơn, ngậm ngùi hơn và sâu đậm hơn.
Buồn để mà buồn một mình!
Nhìn lại những ngày bắt đầu từ giữa tháng tư năm 75, có thể nói cả thành phố Sài Gòn đang lên cơn sốt. Nào là chạy đôn chạy đáo thăm dò tình hình…mặc dù biết rằng miền Nam đang trong cơn hấp hối, nhưng cũng mong tìm và hy vọng một phép lạ. Nào là, đối với những người có chút tiền, lo chạy đi đổi tiền, làm…áp phe, hay do là tin tức tìm đường ra đi.
Tin tức đồn đãi nhiều khi trái ngược nhau, tin vui lẫn với tin buồn.
Nhưng nỗi buồn của tôi thực sự buồn khi rời trụ sở USAID ở đường Lê Văn Duyệt sau khi làm “thủ tục”…ra đi. Cầm tấm thẻ vô tri có hình của một “ông giáo trẻ” đầy nhiệt huyết, mà khi về lại Việt Nam năm 1973, nguyện sẽ làm một cái gì cho thanh niên Việt Nam. Tôi không thiết ăn cơm chiều hôm đó. Nếu tôi nhớ không lầm, đó là ngày thứ tư 09/4/1975.

Đi? hay Ở?
Hai chữ nầy ám ảnh mãi nơi tôi trong suốt thời gian còn lại cho đến ngày 30/4 năm đó.

Trở lại thời gian giữa tháng 4 năm xưa. Tâm trí tôi luôn bị ray rứt với tâm trang nửa Ở nửa Đi.
Đi không đành cũng vì mẹ già đơn côi.
Đi không đành cũng vì bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ níu kéo lại để làm một “cái gì” cho quê hương.
Và đi cũng không đành vì một suy nghĩ non dại (mà chắc cũng có nhiểu người suy nghĩ như tôi), đó là “Mình có thể đối thoại với người cộng sản, vì trước khi họ là cộng sản, họ cũng là người Việt Nam với đầy đủ dân tộc tính; vì vậy mình có thể hợp tác được”.

Cái sai lầm nầy cũng giống như cái sai lầm của người thầy giáo Tạ Ký khi đi học tập về cùng ngồi uống rượu với Gs Tôn Thất Trung Nghĩa và tôi tại Chợ Đuổi nằm tại góc đường Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp năm 1981 như sau:
“Hai mươi năm mới biết chuyện xưa lầm.
Thì tuổi trẻ đã biến thành uất hận!”
Chiều thứ hai 28/4, khi một tên phi công (tôi không muốn nhắc tới tên nầy lên đây, vì làm sao tôi quên được tên những kẻ phản bội quê hương) dội bom dinh Độc Lập, và từ đó lịnh giới nghiêm 24/24 được ban hành. Tôi liền chạy lên nhà một người bạn vong niên trên cư xá giáo chức ở đường Tự Đức.
Tôi đã chứng kiến được gì và đã học được gì?

§ Hình ảnh một Trung tá TQLC chạy từ Đà Nẵng về nhà người anh cũng ở cùng cư xá, hình ảnh giọt nước mắt lưng tròng khi anh cổi chiếc áo trận và cắt từng nút áo cũng như hai bông mai bạc trên cầu vai. Anh nói với người anh qua giọt nước mắt và trong từng tiếng nấc “Anh xem như em đã chết ngày hôm nay”.
§ Hình ảnh từng đoàn trực thăng Mỹ chiếu đèn sáng rọi vào mặt chúng tôi trên sân thượng của cư xá trong lúc tháo chạy và chở người đi ra hạm đội.
§ Hình ảnh những người lính tôi không còn nhớ Dù hay Thủy Quân Lục Chiến tiếp tục chiến đấu ở cầu Phan Thanh Giản trên con đường đi ra Ngã tư Hàng Xanh. Tiếng súng bắt đầu ngay sau khi tướng Minh tuyên bố đầu hàng lúc 10 giờ 37 phút sáng 30/4. Và tiếng súng chỉ im lặng lúc xế trưa, có nghĩa là tất cả anh em binh sĩ đã chiến đấu cho đến quả lựu đạn cuối cùng.
Chuyện ĐI và Ở đã được tôi quyết định ở khúc quành định mệnh nầy, không khác chi khúc quành của nhân vật Thiệu (trong quyển tiểu thuyết “Dòng sông định mệnh” của nhà văn Doãn Quốc Sĩ), “phải” rời bỏ khúc quành của con sông Đuống đầy kỷ niệm tuổi thơ với Yến, người bạn thời trẻ thơ mà sau nầy trở thành…người tình muôn thuở cho đến cuối đời, cùng di cư vào Nam tìm tự do.
Qua ngày thứ năm 1/5, lệnh trên radio yêu cầu (bắt buộc thì đúng hơn) mọi công chức phải đến trình diện tại trụ sở làm việc của mình. Sáng đó, tại cư xá có mặt Ông Khoa trưởng, Ông Phó Khoa trưởng và một số giáo sư, tôi và một giảng nghiệm viên tình nguyện vào Trường Sư phạm xem tình hình.
Mọi sự có vẻ êm xuôi vì “họ” chưa có người vào tiếp quản, ngoài một số “cơ sở” địa phương thôi. Nhưng một hình ảnh khác làm bẽ bàng và làm đão lộn những suy nghĩ tốt đẹp trong tôi khi nhìn thấy một số đồng nghiệp của mình mới chỉ vừa cách đây một ngày, nay đã mang “băng đỏ cách mạng” từ cung cách hướng dẫn chỗ để xe, cho tới thái độ trong lúc nói chuyện. Đáng phỉ nhổ nhứt là những người nầy ngày nào thưa anh, xưng em với tôi, mà nay trở mặt dương dương tự đắc tự xưng tôi, tôi, anh, anh một cách trơ trẻn.
Có những chị giáo sư thước tha, dịu hiền trong khi lên lớp mà nay ngoài băng đỏ, thậm chí còn để lá cờ vàng ba sọc đỏ dưới chân bàn đạp ga xe nữa. Và hơn nữa, có giáo sư trong suốt thời gian chưa đầy hai năm ngắn ngũi của tôi, đã xem tôi như “thần tượng” mặc dù biết tôi đã lập gia đình rồi, thường xuyên đi ăn uống chung; thậm chí đã dám cùng tôi “nhậu thịt chó” nữa…Người đó bây giờ là một “công thần” của chế độ.

Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt II ngày 3/5/1978, đổi 1 đ “tiền thống nhứt XHCN” tức tiền “ngân hàng nhà nước” lấy 1 đ tiền “ngân hàng Việt Nam” và mỗi gia đình chỉ được đổi 100 đ mà thôi.
Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt III ngày 14/9/1985, đổi 1 đ tiền ngân hàng nhà nước cũ lấy 1đ tiền ngân hàng nhà nước mới (tiền thống nhứt Bắc Nam).

Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản đợt II, tức chiến dịch X2, từ tháng 3/1978 tới cuối năm 1990 nhắm vào tư sản tiểu thương, những nhà tiểu thủ công nghệ, ước tính trên 14.000 gia đình tại Sài Gòn.
Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản đợt III tức chiến dịch X3, song hành với chiến dịch X2 tại Sài Gòn nhằm mục đích trục xuất người củ ra khỏi nời ở và điền khuyết vào bằng gia đình cán bộ ngoài Bắc vào. Đây là một âm mưu thâm độc nhằm “Bắc kỳ hóa” thành phố Sài Gòn. Tính đến tháng 9/1989, ước tính có đến 950.000 người bị đuổi khỏi Sài Gòn, và có khoảng 150.000 gia đình cán bộ Bắc Việt được điền khuyết vào.

Trên đây, xin diễn lại bức tranh vân cẩu chập chùng những ý nghĩ lộn xộn trong những ngày quốc phá gia vong. Xin chia xẻ cùng bà con.
Đây không phải là lời tự thú hay than thở, hay nói về mình.
Nơi đây tôi chỉ muốn nói lên vài điều suy nghĩ của một người con Việt mà thôi.
Đó là: Truyết ơi, đừng bao giờ mơ tưởng những cộng sản Bắc Việt là người Việt Nam.
Và để thoát khỏi ý nghĩ tiêu cực trong những ngày đau thương của Đất và Nước, tôi tự điều hướng cho chính mình cần phải hành xử trong tương lai như:

§ Đứng trước quá khứ, hãy ngả mũ. Đứng trước tương lai, hãy XẮN TAY ÁO (H.L.Mencken) và chúng ta phải tiếp tục giữ lửa Quê Hương trong lòng mãi mãi.
§ Lời ca của cố nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang đã kéo tôi về với thực tại, bài “Không phải là lúc”, bắt đầu bằng “Không phải là lúc ta ngồi đặt vấn đề”, để rồi kết thúc bằng một quyết tâm dứt khoát “…Làm việc đi không lo khen chê, làm việc đi hãy say và mê, cứ bắt tay gan lỳ, chúng ta giải quyết. Mình chậm chân đi sau người ta, mà ngồi đây nghĩ lo viễn vông, thắc mắc ngại ngùng biết khi nào mới làm xong!”
Tôi ”đặt vấn đề” với người Cộng sản Bắc Việt, kẻ thù ở phương Bắc đang tiếp tay đóng vai trò “thái thú biết nói tiếng Việt” cho Trung Cộng thực thi “Ðại Họa Mất Nước” để hoàn tất công cuộc Bắc thuộc lần thứ V.

Xin ghi
lại và góp phần vào những Ngày Buồn Tháng Tư của những người con đất
Việt.
Nhắc
lại Nỗi Buồn Tháng Tư nhằm mục đích không phải là ủy mỵ, than thở…mà là cùng
khơi lại để Bà Con không quên những đọa đày dã man mà CSBV đã gây ra cho dân chúng
miền Nam, cũng như để khẳng quyết một quyết tâm
duy nhứt là xóa bỏ cơ chế chuyên chính vô sản của họ!
Thưa
Bà con,
Đối
với chuyện Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ trong những ngày gần đây, CSBV đã cử
Nguyễn Thị Ngọc Thịnh giữ quyền Chủ tịch Nước và Nguyễn Khắc Vượng giữ quyền
Tổng bí thư Đảng rồi. Như vậy kể như xong, nhưng chưa tuyên bố chính thức mà thôi. Chờ xem
những tranh chấp, đấu đá tiếp theo. Hãy nhìn lại những diễn biến lịch sử sau đây:
- Ngày
1/7 dân chúng Algeria đứng lên chống độc tài Abdelaziz Bouteflica, bắt buộc ông
ta từ chức sau 20 năm cầm quyền.
- Ngày
8/4 sau những biểu tình liên tục từ tháng 12/2018 của dân chúng, TT Sudan Omar
al-Bashir phải ra đi sau 30 năm cầm quyền.
- Ngày 14/4 Chủ tịch NPTrọng bị đầu độc(?).
Matin Luther King từng nói: "Trong thế giới này, chúng
ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự
im lặng đáng sợ của người tốt"…

Hãy
hẹn ngày chúng ta về dựng lại cờ trên Cổ thành Quảng Trị!
Mai Thanh Truyết
Nỗi buồn tháng tư 2016
Hiệu đính 2019
Vâng, đã 44 năm ! Cái buồn của tháng Tư 75 cứ đeo mãi chúng ta, những người đã được hưởng không khí Tự Do của VNCH. Hy vong sự thay đổi trên quê hương rất mỏng manh nhưng vẫn nuôi hy vọng cho đến cuối cuộc đời.
ReplyDelete