Wednesday, March 27, 2019

Toàn Cầu Hóa Ngôn Ngữ


Toàn Cầu Hóa Ngôn Ngữ

Danh từ toàn cầu hóa đã trở thành một từ quen thuộc trong ngôn ngữ của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nói đến toàn cầu hóa, đa số đều liên tưởng đến sự toàn cầu hóa về kinh tế, chính trị, kỹ thuật, phát triển và môi sinh... Nhưng còn một yếu tố thiết nghĩ cần phải nhấn mạnh thêm trong lãnh vực văn hóa là vấn đề ngôn ngữ. Do đó, nội dung của bài viết nầy nói lên một vài mối quan tâm về sự toàn cầu hóa ngôn ngữ, hay đặc biệt hơn nữa, Anh ngữ trong hiện tại là một sinh ngữ quốc tế có khả năng áp đặt và ảnh hưởng lên văn hóa của các quốc gia trên toàn thế giới.

Việc xử dụng Anh ngữ trên thế giới

Trên thế giới, hiện có khoảng trên dưới 500 triệu người đang sử dụng tiếng Anh như là một quốc ngữ, và khoảng phân nửa dân số dùng Anh ngữ như là một ngôn ngữ thứ hai. Hiện tại, số lượng người đang học tiếng Anh tại các quốc gia tăng dần và theo dự báo sẽ có phân nửa nhân loại sẽ thông thạo tiếng Anh vào năm 2050. Sự áp dụng tiếng Anh vào chương trình giáo dục của các quốc gia đã trở thành một nhu cầu cần thiết trước tiến trình toàn cầu hoá ngày hôm nay.

Dù phải chấp nhận hay phủ nhận, Anh ngữ hoàn toàn đã được xem như một “linga franca” (ngôn ngữ giao tiếp) cho truyền thông toàn cầu. Câu “Anh ngữ là một sinh ngữ quốc tế” đã được Brian Paltridge phát biểu đầu tiên trong kỳ hội nghị về ngôn ngữ tại Đông Tây Học viện thuộc đại học Hawai năm 1978. Từ đó, có rất nhiều thảo luận đã được khơi mào về tính chất phức tạp trong việc xử dụng Anh ngữ như là một ngôn ngữ của thế giới.
Tính phức tạp nầy thể hiện trong cả hai phần lý thuyết và thực hành. Và cũng bắt nguồn từ đó, có rất nhiều bài viết trong các đại học lưu ý và cảnh báo về tính áp đặt của Anh ngữ. Dư luận quần chúng khắp nơi cũng bắt đầu lưu tâm đến vấn nạn nầy vì quan niệm rằng sự dung nạp Anh ngữ vào chính quốc có thể làm sói mòn các giá trị văn hoá của dân tộc bản địa.

Nói cho rốt ráo, việc sử dụng Anh ngữ đã tăng trưởng và dự phần trong hầu hết các lãnh vực như hội nghị, thương mãi, giáo dục, nghiên cứu, điện ảnh, âm nhạc, du lịch, và ngay cả trong các ngành đặc biệt như hàng không, hàng hải, tin học và truyền thông. Hiện tượng nầy đã xảy ra khắp toàn cầu từ các thành phố văn minh ở Âu châu cho tới các vùng thôn dã của các quốc gia ở Phi châu hay Á châu. Cho dù ở bất cứ nơi nào, cho dù có nhiều dị biệt về văn hóa, phong tục và tôn giáo, Anh ngữ cũng đã được sử dụng nhuần nhuyễn dưới hai dạng nói và viết để thông đạt đến các mục tiêu truyền thông. Tuy nhiên, nếu nhìn dưới một góc độ khác, nhiều người đã bắt đầu nghi ngờ sự tiện dụng của Anh ngữ sẽ trở thành một nhân tố tiêu cực trong tiến trình toàn cầu hóa của sinh ngữ nầy.

Kể từ các thế kỷ trước, và tương tự như các sinh ngữ thực dân như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh ngữ cũng được sử dụng như một sinh ngữ chính ở các xứ thuộc địa. Học sinh ở những quốc gia không nói tiếng Anh, đã được cổ súy và khuyến khích học Anh ngữ song hành với các ngoại ngữ khác để được tiếp cận với văn minh và văn hóa Tây phương.

Việt Nam: Trong trường hợp Việt Nam, ảnh hưởng của văn hóa và ngôn ngữ Pháp rất quan trọng kể từ cuối thế kỷ 19. Vào giữa thế kỷ 20 có thể nói rằng hầu hết trí thức từ Bắc chí Nam đều xử dụng Pháp ngữ một cách rành rọt. Trong chương trình giáo dục trung học và đại học Việt Nam thời đó, Pháp ngữ là một ngôn ngữ chính dùng cho việc giảng dạy. Nhưng cho đến niên học năm 2000, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học trên toàn quốc với tổng số 528.380 học sinh, chỉ còn 18.006 thí sinh chọn Pháp ngữ, trong khi đó có 471.585 thí sinh chọn Anh ngữ (và chỉ trên dưới 10 ngàn chọn Nga ngữ làm sinh ngữ chính). Nói tóm lại, Anh ngữ đã chiếm lĩnh toàn cầu trong hầu hết mọi lãnh vực trên hành tinh nầy.

Đối với Việt Nam, tâm lý chuộng Anh ngữ đã xâm nhập lên mọi sinh hoạt của người dân, đặc biệt nhất là ở các thành phố lớn. Hơn bao giờ hết, xã hội Việt Nam đã cho chúng ta thấy một hình ảnh rạch ròi nhất trong tinh thần chuộng Anh ngữ ngày hôm nay. Muốn đạt đến đỉnh cao địa vị kinh tế-chính trị-xã hội, ngoài tính “hồng hơn chuyên” người dân cần phải “thông thạo” Anh ngữ.

Hầu hết những cửa ngõ cho tương lai đều phải bắt đầu bằng Anh ngữ. Từ đó một số bản sắc dân tộc có thể lần lần biến mất do sự du nhập vào xã hội những “văn minh” Tây phương không phù hợp với tinh thần Việt Nam.

Thay lời kết

Để kết luận, dù chiếc huy chương nào cũng có hai mặt, nhưng thiết nghĩ cũng cần phải cân nhắc để có thể giữ thế thăng bằng cho xã hội. Nếu nhìn trên bình diện tích cực, hiện tượng toàn cầu hóa Anh ngữ đã giải quyết một phần nào vấn nạn nghèo đói ở một số quốc gia đang phát triển, làm cho đời sống của người dân ở các quốc gia nầy từng bước được nâng cao hơn về nhiều mặt.

Nhưng nếu nhìn về một khía cạnh khác, nếu chính quyền bản xứ không sáng suốt, tâm lý và dân trí người dân không được chuẩn bị và cân nhắc kỹ lưỡng thì việc tòan cầu hóa ngôn ngữ sẽ làm đão lộn cả hệ thống văn hóa-xã hội- kinh tế-chính trị của những quốc gia đang phát triển.

Việt Nam đã có truyền thống văn hóa lâu đời và bền vững. Nhưng lịch sử cũng đã chứng minh rằng, trong thời Pháp thuộc và trong chiến tranh gần đây xã hội-phong hóa Việt Nam đã bị ô nhiễm, đã có nhiều rạn nứt và xáo trộn không những vì hệ lụy của chiến tranh mà cũng vì tinh thần “vọng ngoại” trong đó Pháp ngữ ngày xưa và Anh ngữ ngày nay là một trong những thước đo giá trị trong nấc thang xã hội Việt Nam.

Sự xâm lăng của tiếng Anh đối với Việt Nam là một cơ hội và cũng là một nguy cơ có thể lấy mất bản chất dân tộc Việt. Tiếng Anh đồng nghĩa với sự tiến bộ, phát triển và tiếng Việt bị hiểu là lạc hậu, không thức thời theo suy nghĩ của một số không nhỏ người Việt ở hải ngoại cũng như ở quốc nội. Việc du nhập tiếng Anh vào Việt Nam là một con dao hai lưỡi. Biết sử dụng thì sẽ giúp cho đất nước tiến bộ rất nhiều, còn không sẽ mất bản sắc dân tộc như Phi Luật Tân. Qua quá trình hội nhập tiếng Anh trong vài thập niên gần đây, thiết nghĩ Việt Nam có nguy cơ trở thành Phi hơn là Nhật Bản. Một khi dân tộc bị đánh mất bản sắc của mình thì chỉ còn là con rối, chờ cho ngưới ta dựt giây mà thôi.

Ngôn ngữ quốc gia là hồn nước và phải cần được bảo vệ để tránh các áp đặt hay trấn áp như một số nhà ngôn ngữ học cảnh báo do sự toàn cầu hóa ngôn ngữ gây ra. Khái niệm về sự kiện nầy đã là một thực tế đang diển tiến trên toàn cầu. Do đó, muốn tránh khỏi sự cuốn hút của sức mạnh toàn cầu hóa trên, các quốc gia đang phát triển cần phải có một tầm nhìn dân tộc và nhân bản mới hy vọng bảo tồn được hồn nước cho dân tộc.

Nên nhờ rằng, dù Anh ngữ là một ngôn ngữ toàn cầu nhằm mục đích thông tin, trao đổi và đối thoại giữa các quốc gia đối tác trên thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải hội nhập và áp đặt hoàn toàn Anh ngữ trong giao dịch mà quên đi ngôn ngữ của chính quốc. Bỡi lẽ, ngôn ngữ chính quốc mới thực sự thể hiện được hồn nước và văn hoá dân tộc. Đó mới đích thực thể hiện tính đặc thù của từng quốc gia.

Đừng vì lợi nhuận trước mắt, đừng vì nhu cầu phát triển kinh tế cấp bách, và cũng đừng vì phải bảo vệ chiếc ghế quyền lực mà bỏ quên hồn nước thiêng liêng của dân tộc.

Mai Thanh Truyết
Trích t sách “TÔI” s xut bàn vào múa Vu Lan 2919


No comments:

Post a Comment