Saturday, August 25, 2018

Anh Phạm Hữu Trác (1934-2018) - Gs. Lâm Văn Bé


Anh Phạm Hữu Trác (1934-2018)
Gs. Lâm Văn Bé

Hôm nay, dưới Thánh Giá của Chúa KiTô, những thân bằng quyến thuộc, những bằng hữu của anh, chúng tôi có mặt nơi đây để có đôi lời vĩnh biệt với anh và nguyện cầu linh hồn anh sớm về nước Chúa.

Từ khi biết anh ra đi, bạn bè của anh khắp nơi kêu gọi nhau để nhắn tin cầu nguyện anh, bởi anh là người bạn của mọi người. Từ già đến trẻ, nam như nữ, từ giới bác sĩ trong ngành nghề của anh cũng như những bạn anh trong mọi tầng lớp xã hội, ai ai cũng quý mến anh một khi giao tiếp với anh. Mọi người thương anh bởi anh trung thực, khẳng khái, nhân ái, một bác sĩ có y đạo, và vượt lên trên tất cả, anh có một tinh thần quốc gia dân tộc cao độ.

Còn nhớ cách đây 3 tháng, tôi đưa anh Mai Thanh Truyết có thêm anh Thái Công Tụng tháp tùng đến thăm anh. Như thường lệ, cửa nhà anh hình như ít khi khóa và anh luôn lim dim trước cái TV dường  như không bao giờ tắt, nhưng khi nghe có tiếng động, anh choàng dậy, gương mặt  trở nên sáng ngời. Tình bạn đối với anh trân quý, anh kể chuyện, cười nói như quên cơn đau.

Khi chúng tôi từ giã anh để đi đến dự buỗi lễ tưởng niệm các chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn trên đường tìm tư do ở Tượng Đài tại Nghĩa Trang, anh đòi cùng đi với chúng tôi. Nghĩ rằng với tình trạng sức khỏe của Anh không cho phép anh chịu nổi mưa gió lạnh và ngồi giữa trời, chúng tôi viện dẫn đủ thứ lý do để làm anh nãn lòng, nhưng anh vẫn quyết liệt, và có lúc anh cay đắng nói « có gì thì cứ kiếm một cái lỗ dập moi xuống đó ».


                                  Hình chụp ở đài Tưởng niệm 30 Tháng 4, 2018

Thương anh, xót xa anh, không muốn làm trái lòng anh, tôi và  anh Truyết  đành dìu anh ra xe mà cứ thầm cầu xin cho tai qua nạn khỏi. Tượng Đài nằm sâu trong nghĩa trang, người khỏe mạnh đi bộ vào còn vất vả huống chi một người bịnh như anh. Giờ hành lễ sắp bắt đầu, toán quân kỳ đang chuẩn bị thì chúng tôi đến. Trông thấy anh trên xe, mọi người dãn ra ra để  đặc biệt xe đưa anh đến gần Tượng Đài. Khi anh bước xuống xe, mọi người có mặt ùa đến ôm anh, tranh nhau đến gần thăm hỏi anh. Anh cười như mếu máo vì xúc động, nhiều người quen thân mắt cũng đỏ hoe.
Và suốt 3 giờ hành lễ, tuy anh co ro trong cơn gió lạnh thổi phần phật trên mái lều, nhưng anh vẫn cương quyết ở lại cho đến tan buổi lễ. Tình yêu thương của anh với các đồng đội của anh, với các đồng bào của anh, với Tổ quốc của anh đã khiến anh quên lạnh, quên đau dù gương mặt anh không giấu được  sự mệt mõi.
Sau khi anh Trần Văn Dũng đưa anh về nhà, tôi gọi anh. Vẫn với giọng lè nhè «Allo» cố hữu, anh bỗng cười khúc khích và hát câu của Trần Thiện Thanh: Anh chưa chết đâu em .
Từ 3 năm nay, tuy sức khỏe của anh yếu dần, nhưng anh bình thản với cái chết, anh vẫn lạc quan, có khi nói với chính anh và bạn bè đến thăm Anh: Ráng mà sống cho tới khi bọn quỷ đỏ chết. Vậy mà 101 ngày sau lễ tưởng niệm, anh ra đi  để lại cho chúng tôi bao thương tiếc về tấm lòng và những công trình của anh.

Nói đến công trình, không kể đến những đóng góp tài lực và vật lực của anh cho Hội Y Sĩ của anh trong 43 năm qua, anh còn là người của văn học. Còn nhớ cách đây gần 20 năm, mùa hè năm 2001, anh đến thư viện nơi tôi làm việc để thảo luận về dự án của anh xuất bản một tạp chí văn học. Tuy chia sẻ với anh  sự phấn khởi, tôi vẫn không giấu được nổi e dè  vì thị trường chữ nghĩa đã xuống cấp, sách báo không bán được vì thiếu người đọc. Anh đã trả lời chắc nịch: mình không bán, mình viết khá thì sẽ có người đọc. Tôi  cảm thấy tin tưởng anh và thêm tin tưởng tôi với chữ «mình» kể như đồng đội, tôi đi theo anh.

Cùng với anh Lê Phụng, hai anh đã dựng tờ chuyên san Truyền Thông-Communications trong 10 năm với 42 số báo, với  gần 10 000 trang giấy đầy ấp những bài viết giá trị về các đề tài do anh chọn, tác giả do chính anh mời viết, cũng như độc giả do anh chọn lựa để gởi tặng báo. Truyền Thông không những truyền bá văn học mà còn kết nối những người làm văn học. Hỏi anh sao anh không đổi chiếc xe cũ, anh trả lời: moi  mua chiếc Mercedes mà moi chưa bao giờ lái.  Cứ tính mỗi số báo phải tốn trung bình 2000 đồng chưa kể tiền cước phí gởi báo, thì với 42 số báo trong 10 năm, chiếc mercedes của anh chắc phải là loại E trở lên.
Anh nặng tình với văn chương chữ nghĩa, anh in sách, giúp tiền bạn bè in sách, mua sách tặng bạn bè và viết lời giới thiệu sách. Anh sáng lập Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do để tổ chức các giải thưởng văn học, khuyến khích người viết văn chương và nghiên cứu mà tôi là một trong những người may mắn nhận được giải thưởng nầy.  

Tuy anh không tham gia một đảng phái chính trị hay một hội đoàn xã hội nào, nhưng anh vẫn ngầm giúp đỡ cho các nhà hoạt động, miễn là không cộng sản. Anh hào phóng với những hoạt động vì nghĩa, vì tình, vì đại cuộc, nhưng anh không hào nhoáng trong phong cách sống, do đó anh là bạn của mọi người.

Anh có một trí tuệ và trí nhớ tuyệt vời nhưng anh khiêm tốn, không chỉ trích, không hơn thua với ai.
Còn nhớ trong lần Đại hội Y Sĩ VN ở hải ngoại họp tại Paris năm 2000, trong một bài tham luận, một bác sĩ, nhân danh giới bác sĩ trẻ đã tấn công  một cách vũ bão thế hệ bác sĩ đàn anh, đàn chị.

Bài trả lời vừa nhẹ nhàng, vừa tha thiết nhưng quyết liệt  của anh đã gây một tác dụng cao độ trong đại hội. Anh viết:

«Tôi bàng hoàng, ngỡ ngàng khi đọc bài của TLHP. Các bạn tôi, trẻ có, già có, bảo tôi viết. Biết nói gì đây khi có người hăng say tình nguyện đỡ gánh, nhận lãnh trách nhiệm, những người mà tập thể chúng ta bấy lâu tìm kiếm mong đợi. Đêm đã vào khuya, tôi gục đầu xuống bàn. Ngoài cửa sổ mưa rơi, gió thổi. Tiếng va chạm một tai nạn xe cộ đánh thức tôi. Tôi mong nồng độ rượu không vượt quá mức luật định. Hẳn là adrénaline dâng cao trong máu, xe chạy nhanh đụng gẩy cột đèn. Hình ảnh gợi ý, tôi trở lại bàn máy viết tiếp. Như sau:
- Nhiệt tình không đặt đúng chỗ, đúng mức sẽ làm hỏng đại sự.
- Học tập huấn luyện cá nhân và tập thể trong sinh hoạt của mỗi hội đoàn là cần thiết để thấu đáo sự việc, điều kiện tất yếu của thành đạt …

Như một đóng góp nhỏ, tôi muốn kể các bạn nghe là trong những cái thúng cũ ở hai đầu đòn gánh, trong cái túi vác trên vai đã chứa những gì. Các bác, các chú mang nặng lắm. Họ đã vác túi cứu thương ra chiến trường, vai bên kia đeo súng chống giặc, rồi gánh phân, vác củi, khiêng quan tài trong trại học tập, rồi vác túi chạy xuống thuyền ra biển, chân ướt chân ráo đến đất mới lại lao động, vác thùng nặng trong cơ xưỡng, kiếm tiền gởi về nuôi cha mẹ, mua vàng cho con em tìm đường vượt biên.
Ngày nay nhận đỡ gánh, chắc không ai muốn bỏ thêm vào thúng những phân, bùn, gạch vụn. Hãy đặt vào đó một bộ máy vi tính cực kỳ sống động, ấy là não bộ con người. Chúng ta, người trẻ cũng như các chú các bác, mỗi người đều mang trong đầu một trăm triệu tế bào thần kinh. Làm sao để phần thu nhận (như sự tìm tòi, lắng nghe, trao đổi kinh nghiệm …) và phần phát ra ( như nói, viết, nghĩ, làm …) cân xứng, làm sao để những neurones ấy điều chỉnh được con tim bồng bột, hồ hỡi không bị virus phá hỏng, đấy là con đường cầu tiến của người trí thức. 

Và anh kết luận:
Rèn luyên cả đời bằng thiện chí, bằng học hỏi từ tốn vẫn không vói được tới cao điểm của sự toàn bích. ( Tập San Y Sĩ /Hội Y Sĩ VN tại Canada, số 146, tr. 22-37)

Anh Trác thương mến
Anh đã ra đi nhưng Anh vẫn còn để lại  trên trần thế nầy trái tim để biết yêu thương và khối óc để biết suy nghĩ. Chúng tôi thương Anh và quý Anh mãi mãi.  Xin vĩnh biệt Anh và xin cầu nguyện Anh sớm đến cõi Vĩnh Hằng.

Lâm Văn Bé
(đọc nhân buổi lễ cầu hồn Anh Phạm Hữu Trác tại Nhà Thờ Saint-Marc, Montréal,  ngày chủ nhật 25 tháng 8  năm 2018)


                             Lâm Văn Bé, Phạm Hữu Trác, Mai Thanh Truyết, Thái Công Tụng

Ảnh do chị Truyết chụp tại nhà anh Trác ngày 28 /4/2018 trước khi đến Tượng Đài, tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư. Anh ra đi 101 ngày sau đó (9/8/2018)

No comments:

Post a Comment