Wednesday, January 3, 2018

Anh Trường của Tôi


 Anh Trường của Tôi
 Cali 23/06/2012   -   Mai Thanh Truyết 

Lời nói đầu: Để tưởng nhớ và tri ân Gs. Nguyễn Văn Trường vừa giã từ chúng ta 01/03/2018.
 Bài viết kỷ niệm này trích ra từ "Tâm Tình Người Con Việt" của Mai Thanh Truyết  kể về Gs. Nguyễn Văn Trường, cựu Tổng trưởng Giáo Dục của VNCH và cũng là cựu Viện trưởng Viện Đại học Cao Đài Tây Ninh.

Sau khi vào làm việc tại Đại học Sư phạm Sài Gòn, tôi đã gặp anh Nguyễn Văn Trường trong buổi giới thiệu tôi với một số bạn đồng nghiệp mới. Mặc dù biết anh Trường đã từng làm Tổng Bộ trưởng tới hai lần lúc đó (còn một lần thứ ba nữa trong hai ngày cuối cùng còn lại của VNCH), nhưng tôi không hình dung được một người đã từng giữ chức vụ điều hành ngành giáo dục cho cả nước thời VNCH lại là một người bình dị như thế sao?
Từ sự ngạc nhiên đó, lần lần tôi làm thân với anh. Biết anh thêm, với dáng người dong dỏng cao, ăn nói nhỏ nhẹ và quá lễ phép đôi khi khiến cho người nghe nghĩ là “sáo ngữ”; nhưng đối với tôi, nơi anh Trường thể hiện một sự hiền hậu, khiêm cung của một người thầy giáo, đúng như những bài viết của anh trong những năm đầu định cư ở Hoa Kỳ.
Có quá nhiều kỷ niệm với anh, cũng như học hỏi được rất nhiều điều khuyên răn của anh đối với tôi, một “con ngựa con háo đá” (biệt danh do nhiều đồng nghiệp đặt cho tôi) trong những ngày tháng đầu tiên về lại quê nhà.
Trong suốt gần 40 năm quen biết nhau, hôm nay tôi mượn những trang sách nầy để bày tỏ mối thâm tình và chia xẻ vài sự kiện nổi bật liên quan đến anh và tôi, người tôi xem như là một người anh trong gia đình nhứt là trong 20 năm qua trên đất tạm dung nầy.

Làm việc tại Đại học Cao Đài

​​Vừa quen biết anh chưa đầy một tháng ở Đại học Sư phạm Sài Gòn, anh đã ngỏ ý mời tôi tham gia vào Viện Đại học Cao Đài. Không biết anh căn cứ vào đâu mà anh biết tôi rất năng nổ và hăng say trong cung cách làm việc. Anh đề nghị tôi phụ trách xem lại chương trình giảng dạy, tổ chức phòng thí nghiệm và lo việc mời thêm giáo sư trong ban giảng huấn nhứt là bên ban giáo dục sư phạm khoa học. (Bên ban giáo dục văn chương đã có GS Nguyễn Văn Sâm phụ trách rồi). Tôi nhận lời với chức vụ Giám đốc Học vụ.

Anh Trường với vai trò Quyền Viện trưởng lúc đó, đã để cho tôi toàn quyền sắp xếp cũng như lo việc xây dựng các phòng thí nghiệm bên ngoài nội ô Tòa Thánh cạnh chợ Long Hoa. Với tuổi trẻ và lòng hăng say, mọi việc đều suông sẻ trong suốt hai niên khóa 1973-1974 và 1974-1975.
Trong thời gian làm việc ở đây có hai sự kiện nổi bật trong lề lối thi cử qua cung cách hành xử quá “cứng rắn” của tôi lúc bấy giờ (Viết lên những hàng chữ hôm nay, tôi cảm thấy hối hận vì mình đã quá nặng tay lúc đó!).

Câu chuyện thứ nhứt: Trong kỳ thi cuối năm, kỳ 1 vào tháng 6, 1974, tôi phụ trách đề thi và kiểm soát cuộc thi, bạn tôi, GS Mã Thành Công, Phó Viện trưởng là Chánh chủ khảo cuộc thi. Trong một buổi thi, đề thi đã được phát ra gần 2 giờ, một sinh viên, nguyên là Hiệu trưởng một trường trung học Đệ nhứt cấp ở Tây Ninh, đến trể và xin được vào thi. Tôi không đồng ý với lý do đề thi đã phát ra rồi. Với tư cách một Hiệu trưởng đương thời và cũng với tư cách gia đình chức sắc trong Đạo, cô lên khiếu nại với bạn tôi, GS Công.
Kết quả là cô phải đi về đợi kỳ thi khóa 2 vì Công biết ý tôi và không thể để cô vào thi được. Cũng trong khóa thi đầu tiên nầy, tôi được mang hổn danh là “ông thầy hắc ám” vì tôi đã thay đổi áo sơ mi nhiều lần trong suốt buổi thi, cũng như tôi đã mào đầu là “trước khi làm thầy, tôi đã là học trò, mà đã là học trò ắt phải biết những mánh khóe “làm bùa”. Do đó, xin các anh các chị đừng “đánh bùa”, nếu tôi bắt được thì miễn xin xỏ”. Nói như thế nhưng trong suốt cuộc thi nầy không có ai bị “bắt” cả! Có thể ví tôi còn non tay, mà cũng có thể vì các sinh viên đã mang truyền thống đạọ đức của con em trong đạo mà không làm điều xằng quấy chăng?
Câu chuyện thứ hai: Cũng ở khóa thi nầy, trong một kỳ họp Hội đồng khoa để công bố kết quả, một chức sắc xin cho con được chấm điểm đậu vì em nầy đã vắng mặt trong một buổi thi. Tôi nhứt định không đồng ý với lý do, nếu cho em sinh viên nầy thi đậu thì phải cho tất cả thí sinh phải được đậu kỳ nầy dù với số điểm thấp đi nữa. Anh Trường, mặc dù phải khó xử với Đạo, nhưng cuối cùng cũng phải làm theo quyết định của tôi. Xin cám ơn anh đã giữ cho Đại học Cao Đài có được “credit” vì đã làm theo đúng tinh thần công bằng trong giáo dục.

Lớp Tiến sĩ giáo dục ở Đại học Sư Phạm Sài Gòn
Vào khoảng giữa niên học 1973-1974, GS Tần Văn Tấn, Khoa trưởng cho họp Hội đồng khoa của trường và cho biết tình hình giáo dục chung, trong đó Ông nêu rõ khuynh hướng giáo dục mới bây giờ nghiêng về lề lối giáo dục của Hoa Kỳ cũng như ảnh hưởng rất lớn của giáo chức tốt nghiệp từ hệ thống này cho nên các giáo sư của trường đã tốt nghiệp từ Pháp cần phải “học thêm” để có văn bằng Tiến sĩ giáo dục.
Và Ông đã thực hiện điều trên bằng cách tổ chức lớp tiến sĩ giáo dục “tại chức”. Tôi còn nhớ lớp nầy gồm: Gs Nguyễn Văn Trường (Houston), Gs Lý Công Cẩn (Montpellier,Pháp), Gs Đàm Trung Pháp (Dallas), Gs Trương Minh Đức (Canada), Gs Phạm Văn Quảng (Westminster), Gs Phạm Cao Dương (Huntington Beach), Gs Phạm Đình Tiếu (mất), và tôi. Trong ban giảng huấn gồm có: Gs Dương Thiệu Tống, Gs Lê Quang Tiếng, Gs Tô Thị Ánh và một số giáo sư khác tôi không nhớ hết tên.
Lớp học bị dang dở vì quốc nạn 30/4. Kỷ niệm giữa anh Trường và tôi trong giai đoạn nầy là chúng tôi cùng làm chung một tiểu luận nhan đề:”Triết lý giáo dục trong Đạo Cao Đài”. Đây là một đề tài hết sức mới mẻ và anh Trường phải bỏ ra hơn hai tháng trường để nghiên cứu. Còn phần tôi chỉ phụ hợ và trình bày trong buổi thuyết trình mà thôi. Chỉ như vậy thôi mà tôi vẫn được “cờ rề đít”!

Những ngày sau 30/4
Ngay sau khi CS Bắc Việt chiếm cả đất nước, người dân Sài Gòn hầu như hụt hẫng vì biến động quá bất ngờ, nhứt là đối với giới giáo chức. Tâm trạng hoang mang. Tình trạng an ninh cá nhân rất bấp bênh vì không biết người CS sẽ hành xử như thế nào. Mối lo ngại nầy đè nặng lên các giáo chức xuất thân từ Hoa Kỳ và dạy các môn nhân văn. Rồi đến vấn đề tài chánh gia đình. Như đã biết, người thầy giáo chỉ trông cậy vào đồng lương 5 cọc 3 đồng, và giới nầy ít biết xoay sở ngoại trừ một thiểu số nhỏ.
Một khi đã gắn liền với nghiệp giáo thì phải chấp nhận chữ nghèo. (Nếu một ông giáo nào “giàu” chắc hẳn là phải có những “dịch vụ” khác như bán cours, dạy thêm, làm “affaire” v.v…)
Anh Trường vẫn không tránh khỏi tình trạng chung, lại cưu mang thêm 4 cháu nhỏ và hai thân mẫu hai bên nội ngoại. Nhưng anh cũng phải bươn chải, cũng phải “chà đồ nhôm” sống chung đụng với giới giang hồ qua chợ trời.
Với những tâm trạng vừa kể trên, làm sao người thầy giáo còn đủ lương tâm và trí tuệ để làm công việc truyền giảng tri thức cho học trò được? Cuộc sống kinh tế đã quá khó khăn lại thêm nỗi bất an, lo sợ không biết mình bị công an “làm việc” lúc nào!
Đó là tâm trạng chung của giáo chức trong giai đoạn “quá độ” nầy.
Riêng đối với tôi, đã từng mang danh hiệu “điếc không sợ súng” và chính vì biết cá tính của tôi , anh Trường luôn khuyên nhũ tôi bình tâm lại và ráng sống cho qua cầu. Dù kính trọng anh, nghe và hiểu lời khuyên của anh, nhưng làm sao tôi có thể ”nhịn” được khi có biết bao nhiêu cảnh tình chói tai gai mắt diễn ra hàng ngày trên khắp miền Nam. Vì vậy anh chỉ mong cho tôi vượt biên mới có thể bảo tồn được tính mạng.
Bao lần anh đã nói, bao lâu “toi” còn ở đây thì tính mạng “toi” sẽ không an toàn.
Tôi thấy anh lo và sợ thực sự cho tôi. Tôi thương và quý anh chính vì cái tình anh đối với tôi. Và sau cùng anh chỉ an tâm khi biết chắc rằng tôi đã cho vợ con đi vượt biên trước rồi sau đó tới phiên tôi đi.

Những ngày đầu tiên của anh Trường tại Hoa Kỳ
Sau bao nhiêu lần thất bại, các con của anh Trường vượt biên thành công trong hai đợt. Đợt đầu 3 cháu, nay đều thành đạt tất cả; đợt sau là cháu Út, cũng đã thành công.
Anh chị qua Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ. Hai tuần sau khi anh đặt chân đến Houston, tôi cũng có dịp đi công tác ở Dallas. Khi biết tin anh đã có mặt ở Houston, sau khi họp xong, tôi vội mướn xe và đến thăm anh chị ở Houston.
Anh em gặp nhau. Trùng phùng sau bao năm, mừng mừng tủi tủi…vì được gặp nhau trên xứ lạ, cách quê nhà ngàn trùng…Tôi ở lại chơi với anh chị và các cháu chỉ vài ngày mà thôi, nhưng có biết bao nhiêu chuyện để nói và cũng có nhiều thông tin vui buồn lẫn lộn.
Chỉ hai tuần sau đó, tôi mời anh chịi qua Cali để tôi có dịp đưa anh chị đi thăm bè bạn và đồng nghiệp, phần lớn tập trung ở vùng nầy. Có thể nói chuyến đi một tuần lễ ở Cali là một chuyến đi nhớ đời. Anh em kề cận nhau suốt cuộc hành trình, nói biết bao nhiêu chuyện, chuyện xưa, chuyện nay, chuyện người đi, chuyện người ở lại với trăm bề đắng cay…
Dường như Anh tham dự hầu hết những buổi Hội thảo của Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VAST) trong 10 năm đầu anh đến Mỹ. Nhưng sau nầy vì sức khỏe, anh chậm viết bài và bớt sinh hoạt lại. Nhưng mỗi lần tôi qua Houston để nói chuyện hay thăm anh em, anh Trường đều có mặt cũng như không quên đãi “thằng em” một bửa cơm gia đình trong đó anh không quên mời đông đủ bạn bè của anh và của tôi.
Lần gần đây nhứt, tôi qua thăm anh vào tháng 9, 2011 nhân chuyến đi Dallas tham dự Nghị Hội Toàn Quốc. Anh đã già hơn sau lần mổ tim. Lần nầy, hai anh em nói chuyện gần như suốt đêm, nói về chuyện gia đình tôi, chuyện Việt Nam mà tôi dự định làm một cuộc phiêu lưu mới(?), chuyện Đạo và Đời.
Nơi anh và tôi có cùng một điểm chung lớn về quan niệm Đạo. Cùng tin tưởng Đạo, nhưng thấy những câu chuyện trong Đạo có tính cách “huyền thoại” và không thực tế! Chỉ tin khi nào “Được Nghe và Được Thấy”.

Câu chuyện tiếp tục
Trong suốt thời gian qua, giao tình giữa anh và tôi ngày càng thắm thiết. Còn biết bao kỹ niệm không cần phải nói ra nơi đây. Nhưng có một điều tôi phải nói, vì đó là mấu chốt của hầu hết mọi trao đổi giữa anh và tôi.

Anh luôn bắt đầu câu chuyện bằng…”Cuộc sống vốn đã bất toàn, thôi thì…” rồi sau đó mới thực sự bắt đầu. Tôi nghĩ đây không phải là “câu thiệu” để anh nói trước khi bắt đầu câu chuyện…mà chính là anh tự nhắc nhở anh và cùng nhắc nhở người đối thoại nên có cái nhìn tương đối hơn trước cuộc sống. Nếu cuộc sống không-bất toàn thì còn đâu là cuộc sống nữa?
Nhưng với tôi, những lời trên là một công án cần suy gẫm cho chinh tôi. Vì đã là bất toàn cho nên nếu cuộc sống có mang đến nhiều nỗi bất hạnh cho mình hay người thân của mình, điều đó cũng là môt lẽ thường tình, không cần phải đau khổ hay bận tâm. Cái tương đối trong vạn vật chính là để thử thách chân tâm…từ đó tâm mới có thể đạt được điểm “Định” trong bản thể con người.

Tôi nói cho tôi hay tôi nói cho anh đây anh Trường?
Năm 2012, anh 82 tuổi, tôi, 70. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” của thời xưa đã không còn đúng với thực tế ngày nay nữa…vì anh vẫn còn tráng kiện và còn khả năng trí tuệ để chuyển tải những tư tưởng của mình trên trang giấy. Tôi vẫn còn xông xáo, bôn ba khắp nơi vận động cho một cuộc đổi đời cho tương lai Việt Nam. Mình vẫn còn sức sống và tin tưởng tích cực ở một ngày mai.

Như vậy mình chưa già phải không anh?
Nhưng dù sao, mình cũng đủ chính chắn để nhận thức rằng nguồn tham sân si trong người đã dịu bớt (không dám nói là tắt hẳn), nỗi thất tình lục dục cũng vơi đi theo thời gian sinh lý của con người và sự tiến gần đến trạng thái an nhiên tự tại của nhận thức. Dù không là thánh thiện, nhưng trong anh thể hiện một nhân tâm đôn hậu, đôn hậu trong từng câu nói, trong từng cử chỉ và nhứt là trong ánh mắt hiền hòa của anh.
Tôi không quá lời khi viết những câu trên về anh. Về phần tôi, tuy không còn cao ngạo rằng “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” như ngày xưa nữa, nhưng vẫn còn giữ được bầu nhiệt huyết để làm con én tuy không làm nên mùa xuân, nhưng vẫn có thể báo hiệu cho môt mùa xuân trong tương lai.

Anh Trường,
Những lời anh khuyên, những lời anh dặn vẫn còn đây. Đứa em của anh đã “thuần” trong suy nghĩ, và vẫn tiếp tục đi trên con đường chông gai mà chính mình đã vạch ra. Chân thành cám ơn những chỉ vẽ của anh trong suốt gần 40 năm qua.

Xin hẹn anh tại Sài Gòn một ngày đẹp nắng!
​​
Mai Thanh Truyết

Cali 23/06/2012

No comments:

Post a Comment