Wednesday, January 22, 2025
Thuyết Gã Điên – The Madman Theory
Thử So sánh Chính sách Ngoại giao của Cố TT Nixon và TT Trump
Trong bài viết trên tạp chí The Diplomat, Sempa (2019) lập luận rằng TT ‘Nixon nghĩ rằng Hội Đồng Châu Á và Thái Bình Dương, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nam VN, Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai, Úc và Tân Tây Lan, được thành lập vào năm 1966 có thể là nền tảng của một “nhóm quân sự được thiết kế để ngăn mọi mối đe dọa của TC”.’ Sempa còn thêm rằng TT “Nixon thậm chí còn đề cập đến Ấn Độ là một thành viên có thể của một liên minh khu vực chống TC”. (Trích từ “Một góc nhìn về Chiến tranh Mậu dịch Mỹ - Trung của TS Nguyễn Văn Chữ). Cũng trong một tuyên bố khác, TT Nixon thường có ý tưởng về thuyết Gã điên bắt nguồn từ Niccolò Machiavelli.
Khi Donald Trump lần đầu tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, ông ấy thường tỏ ra tức giận và điên rồ. Ông cũng không ngần ngại thể hiện sự tức giận trong suốt chiến dịch tranh cử. Trong cuộc tranh luận sơ bộ của Đảng Cộng hòa năm 2016, ông đã dựa vào cảm xúc này, nói rằng mình sẽ “vui vẻ chấp nhận chiếc áo choàng của sự tức giận” vì ông tin rằng đất nước đang là một “mớ hỗn độn” và được điều hành bởi những kẻ thiếu năng lực. Trump cũng chấp nhận suy nghĩ rằng ông là một kiểu người điên khác. Trong nhiều tuyên bố, ông nhấn mạnh rằng mình sẽ là một kiểu tổng thống khác vì ông sẵn sàng trở nên hơi điên một chút, hơi khó đoán một chút. Năm 2015, trong một cuộc phỏng vấn, ông đã trích lời một doanh nhân khác, “‘Có một sự khó đoán nhất định về Trump, và điều đó thật tuyệt.’” Trong bài phát biểu chính sách đối ngoại lớn đầu tiên của chiến dịch năm đó, ông công khai chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Barack Obama, nói rằng, “Là một quốc gia, chúng ta phải khó đoán hơn. (Trích từ Daniel W. Drezner, “Does the Madman Theory Actually Work?” Foreign Policy, 07/01/2025).
Đối với TT Trump có vẻ khác với các tổng thống hậu Chiến tranh Lạnh, nhưng cảm xúc của ông lại giống với Richard Nixon, người cũng thích nổi điên. Thật vậy, theo H.R. Haldeman, người làm việc dưới quyền ông, chính Nixon đã đặt ra thuật ngữ “thuyết Gã điên,” giải thích rằng ông muốn phía Bắc Việt tin rằng ông có khả năng làm bất cứ điều gì để chấm dứt Chiến tranh Việt Nam – bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Thuyết Gã điên cho rằng: một nhà lãnh đạo hành động như thể ông có thể làm bất cứ điều gì sẽ có nhiều cơ hội thuyết phục các tác nhân toàn cầu khác đưa ra những nhượng bộ mà nếu không thì họ sẽ không thực hiện.
1- Dụ ngôn của Nietzsche
Trong dụ ngôn “Gã Điên”, Nietzsche để cho nhân vật của mình lớn tiếng tuyên bố “Thượng đế đã chết”. Thế là những người vô thần vội bám lấy tuyên bố đó để khẳng định lập trường của họ, rằng niềm tin tôn giáo đã hết thời rồi, hãy vứt bỏ đức tin đi, hãy sống thực dụng, vì chẳng có thần thánh nào hết, chỉ có con người tự quyết định lấy vận mệnh của mình mà thôi.
Tuy nhiên, Nietzsche đã bị hiểu sai, thậm chí đã bị hiểu ngược hoàn toàn với tư tưởng của ông trong Dụ ngôn Gã điên – người ta đã vô tình hoặc cố ý tách tuyên bố “Thượng đế đã chết” ra khỏi ngữ cảnh của nó, ra khỏi toàn bộ câu chuyện của nó, và rốt cuộc làm cho câu nói đó phản lại ý định của Nietzsche.
Vậy thực chất Nietzsche muốn nói gì?
Dụ ngôn “Gã Điên” kể rằng:
Một gã điên đốt đèn giữa ban ngày rồi chạy ra chợ kêu la ầm ĩ: “Ta đi tìm Thượng đế! Ta đi tìm Thượng đế”. Trong đám đông đứng vây quanh có nhiều kẻ không tin vào Thượng đế, nên gã điên trở thành một trò cười trước mắt họ. Họ tò mò hỏi nhau không biết cái gã điên ấy đang làm trò gì vậy, và cuối cùng tất cả đều cười váng lên như cười một thằng hề. Nhưng gã điên ấy bỗng nhảy vào giữa đám đông, lườm mọi người bằng ánh mắt như đâm xuyên qua họ, vừa la khóc vừa giảng giải: “Thượng đế đi đâu rồi? Này, ta bảo cho các ngươi biết, chính chúng ta, ngươi và ta, đã giết Thượng đế. Tất cả chúng ta là những kẻ đã giết Thượng đế…” Rồi gã điên tiếp tục chất vấn đám đông…
Nghe chuyện đến đây, tôi bất giác nhớ đến truyện ngụ ngôn gã mù cầm đèn trong đêm tối: Một gã mù cầm đèn đi trong đêm tối, thiên hạ lấy làm lạ, bèn hỏi:
“Anh đã mù rồi còn cầm đèn làm gì? Anh có nhìn thấy gì đâu mà soi đèn?”
Gã mù trả lời: “Ta cầm đèn để những kẻ mắt sáng khỏi đâm vào ta”.
Gã mù này thật thâm thúy, nhưng có lẽ gã điên của Nietzsche còn thâm thúy hơn: gã phải thắp đèn giữa ban ngày để đi tìm Thượng đế, vì gã biết tìm Ngài trong thời buổi này khó khăn lắm, thiên hạ xung quanh gã bây giờ chỉ tin vào miếng ăn, cái mặc, những lợi lộc vật chất thấp hèn, những gì có thể cân đong đo đếm mà thôi!
Chao ôi, cái thiên hạ vô minh ấy, phải thắp đèn giữa ban ngày may ra mới làm cho họ chú ý. Mà họ có hiểu gì đâu? Họ vẫn cười cợt chế nhạo đó thôi. (Lượm lặt trên mạng).
2- Còn dụ ngôn của Cố TT Nixon và TT Trump thì sao?
Có giống như dụ ngôn “Gã Điên” của Nietzsche không?
Từ đó, sự so sánh giữa cố Tổng thống Richard Nixon và Tổng thống Donald Trump về phong cách lãnh đạo và cách tiếp cận chính sách đối ngoại, đặc biệt trong việc áp dụng "thuyết Gã điên," thực sự rất thú vị. Tuy nhiên, cũng cần nên xem xét bối cảnh lịch sử, phong cách cá nhân và chiến lược chính trị của từng vị tổng thống để hiểu rõ sự tương đồng và khác biệt.
Điểm tương đồng
• Nixon được ghi nhận là người khai sinh khái niệm này, với mục tiêu làm cho Bắc Việt và Liên Xô tin rằng ông có khả năng hành động không thể đoán trước, kể cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Chiến lược này nhằm gây áp lực tối đa để đạt được nhượng bộ từ đối thủ.
• Trump cũng áp dụng một phong cách không thể đoán trước trong chính sách đối ngoại, ví dụ như việc đe dọa áp thuế mạnh hoặc các phát ngôn bất ngờ trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên, Trung Cộng hoặc thậm chí đồng minh NATO. Cách tiếp cận này có thể được xem là phản ánh tinh thần của "thuyết Gã điên," khi ông khiến các đối thủ cảm thấy khó đoán định và do đó phải nhượng bộ.
• Nixon coi các liên minh khu vực, chẳng hạn Hội đồng Châu Á và Thái Bình Dương, là công cụ để kiềm chế sự trỗi dậy của TC, tương tự cách Trump muốn xây dựng các liên minh để đối phó với ảnh hưởng kinh tế và quân sự của TC đối với các nước Đông Nam Á.
• Cả hai đều đặt nặng việc sử dụng sức mạnh quốc gia để định hình các mối quan hệ quốc tế theo cách có lợi cho Mỹ.
• Cả Nixon và Trump đều là những chính trị gia có phong cách gây tranh cãi, sử dụng các chiến thuật bất thường để thu hút sự chú ý và gây ảnh hưởng. Cả hai thường không tuân theo các chuẩn mực truyền thống trong ngoại giao.
Điểm khác biệt:
• Nixon hoạt động trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô đối đầu trong một thế giới lưỡng cực. Những quyết định của ông được định hình bởi nhu cầu kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Cộng, đồng thời chấm dứt Chiến tranh Việt Nam.
• Trump hoạt động trong một thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, với các thách thức đa dạng hơn từ TC, Nga, và cả các tổ chức phi quốc gia như khủng bố. Mối quan tâm chính của ông là cạnh tranh kinh tế và củng cố vị thế của Mỹ trong hệ thống quốc tế.
Qua hai khác biệt căn bản trên đưa đến sự khác biệt về chiến lược và thực thi vào hai thời điểm hoàn toàn khác nhau:
• Nixon là một chiến lược gia tinh vi, với các kế hoạch dài hạn và khả năng ngoại giao kín đáo, thể hiện qua việc mở cửa quan hệ với TC và ký các hiệp ước kiểm soát vũ khí với Liên Xô.
• Còn Trump thường áp dụng các hành động mang tính bộc phát và dựa nhiều vào sức ép công khai, như qua Twitter hoặc các tuyên bố trực tiếp. Phong cách này đôi khi mang lại kết quả ngắn hạn nhưng cũng làm gia tăng căng thẳng với đồng minh như trong vấn đề đóng góp quỹ cho NATO.
• Nixon cố gắng xây dựng và duy trì các liên minh khu vực như một nền tảng chiến lược, với mục tiêu dài hạn là kiềm chế các đối thủ lớn.
• Trump lại có xu hướng chỉ trích các đồng minh (như NATO hay các nước Đông Á) về việc "không đóng góp đủ" cho an ninh chung, khiến một số liên minh truyền thống như Âu Châu trở nên căng thẳng.
3- Tạm kết
Tóm lại, sự so sánh giữa Nixon và Trump là hợp lý ở một số điểm, đặc biệt là trong việc sử dụng "thuyết Gã điên" để tăng sức mạnh đàm phán và gây áp lực lên đối thủ. Tuy nhiên, Nixon là một chiến lược gia có kế hoạch dài hạn và chủ yếu hoạt động trong khuôn khổ ngoại giao truyền thống, trong khi Trump có phong cách lãnh đạo thiên về sự bộc phát, quyết định nhanh nhẫu, ít dự đoán trước và nhấn mạnh vào thành quả tức thời. Trump là một nhà kinh doanh thành công trong thương trường cho nên có những quyết định bột phát như chớp thời cơ làm cho đối phương không kịp suy nghĩ và trở tay không kịp. Thì dụ như trong cuộc diện kiến với Ủn tại Hà Nội năm năm. Quyết định chấm dứt cuộc đàm phán, đứng dậy “phủi đít” đi về Mỹ. Ũn hụt hẫng không biết Trump muốn gì, và sợ!
Hai phong cách này phản ánh các bối cảnh chính trị và ưu tiên khác nhau của từng thời kỳ: thời kỳ thề giới lưỡng cực Mỹ-Tây Phương/Nga-Tàu thời Nixon, và thế giới đa cực rất phức tạp thời Trump hiện tại.
Chúng ta chờ xem kết quả trong vòng bốn năm tới, nhiệm kỳ của TT thứ 47th của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ … sẽ như thế nào?
Rồi sẽ kết luận TT Trump là một minh quân hay cũng chỉ là một Gã Điên?
Mai Thanh Truyết
Viết về Nhiệm kỳ II của Tổng thống Trump
Houston 22/1/2025
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment