Tuesday, May 15, 2018



Suy Nghĩ Cuối Cùng của GS Nguyễn Văn Trường về Việc Xây Dựng Một Viện Đại Học Tư Lập ở Việt Nam


Lời người ghi lại: Đây là trích đoạn bài viết chung của GS Nguyễn Văn Trường và Mai Thanh Truyết về Sự thành lập Viện Đại học Cao Đài Tây Ninh

 

Khai phá là đi vào cái mới, đất mới, lãnh vực mới…, ở đó, chưa một ai đến, chưa một ai khai, chưa một ai phá, để xây dựng cái mới.

Cái mới là cái chưa biết.  Cái chưa biết nào cũng có những bất ngờ, không trù liệu trước được. Cho nên, tiến trình khai phá là một tiến trình phiêu lưu. Cuộc phiêu lưu nào có những hiểm nguy của nó. Vì vậy, người tiên phong phải có một tầm nhìn xa và rộng, và phải can đảm nhận trách nhiệm về công trình khai phá.

Hơn nữa giáo dụcdù là giáo dục Đại Họcvẫn bao hàm cái ý ổn định, vững chắc. Dạy học là chuyển giao những giá trị qui định trong chương trình học. Những giá trị nầy, ít nhất là cho đến 4 năm đầu Đai Học, phải là cổ điển, tức là được công nhận là vững bền. Dân tộc, nhân bản và khai phóng là phương châm chỉ hướng cho nền giáo dục của chúng ta thời bấy giờ. Nói khác hơn là trong một chừng mực nào đó, ta muốn cột giữ học sinh sinh viên ta trong lòng dân tộc, trong những giá trị ngàn đời của cha ông, mà ta thiết tha kính giữ.

Con người mà chúng ta đào tạo cũng phải thấm nhuần tính người, tình người, nhưng không là một mẫu người trừu tượng hay là con người chung chung của muôn nơi muôn thuở, mà phải là con người của dân tộc nầy, trong thời khoảng lịch sử nầy trước đã.



Cho nên, dạy học là cột con người hai lần: cột vào nhân bản, chưa đủ, cột thêm vào dân tộc, cho chắc. Ý thức rõ như vậy, người dạy đương nhiên thấy có nhu cầu khai phóng: người cột phải mở. Tùy lứa tuổi, tùy trình độ học viên, lối dạy phải khoáng đạt, nhiều chiều, và trong mỗi chiều có thuận có nghịch.

Dầu vậy, nội dungngoại trừ các đề tài luận ánđều phải cổ điển, được công nhận là những giá trị cơ bản vững bền.

Người dạy, thường thường không ai là người muốn mạo hiểm.

Tôi, một ông giáo, tôi cũng không muốn mạo hiểm trong các công tác giáo dục của tôi.

Vì vậy, mà tôi phải cặn kẻ trao đổi những nghĩ suy và tính khả thi trong công tác hình thành Viện Đại Học.

Người tôi tiếp cận đầu tiên là Ông Viện Trưởng Nguyễn Văn Lộc, nguyên thủ tướng chính phủ. Ông rất bình dị. Chúng tôi vẫn xưng hô là anh em, nhờ vậy mà mọi vấn đề được thẳng thắng đặc ra và bàn luận.

·       Tiên quyết là sự an ninh trên con đường Sàigòn Tây Ninh, chỉ 99 cây số, mà nghe đâu nó xuyên ngang chiến khu của VC. Tôi được biết là Anh vẫn thường đi lên Toà Thánh bằng xe riêng hoặc xe của Tòa Thánh.  Tôi có sự xác nhận của nhiều người khác, nói riêng là của ông Thừa S Tấn. Tôi cũng nghĩ:  Những người sống về nghề móc túi, bấm giây chuyền, nói chung là kẻ trộm cắp, luôn luôn hoàn lại cho khổ chủ nếu khổ chủ là người trong khóm, nơi trú ngụ của mình.  Trong cái suy nghĩ đó, thiết nghĩ VC, phải giữ an ninh cho tuyến đường Sài gòn-Tây Ninh, bằng không cái ổ ẩn trú của họ sẽ bị quậy nát, mà dân chúng không bao che cho họ.

·       Về viễn kiến về Viện Đại Học: hình như quí vị trong Đại Đạo nghĩ rằng:

1. Tây Ninh nằm trên con đường chánh đi Nam Vang;
2.  Đức Hộ Pháp có nhiều năm ngụ ở Nam Vang;
3. Ánh sáng Đại Học Cao Đài sẽ mở rộng trong hướng Cambodia, và vùng cao nguyên bao   quanh Thánh Địa.
4. Vã lại Đạo có huyền cơ.

Nghĩ cho cùng thì những đại học xưa, khởi điểm rất khiêm nhường -Haward (Mỹ) bắt đầu chỉ có 9 sinh viên[1], Notre Dame[2] (Mỹ) là một đại học Công Giáo mà phải 2 năm sau mới được công nhận, Đai Học Sorbonne khởi đầu là một Viện Thần Học, và đến Cách Mạng Pháp (1789) bị đóng cửa[3],..

Tôi không tổng quát hóa. Tôi cũng không lấy tiêu chuẩn thời thượng mà đo lường đại học thời nay. Tôi nghĩ tương lai của một đại học là do mức độ đóng góp của các thế hệ tốt nghiệp đại học đó vào sự nghiệp chung của nhân loại. Tôi cũng nghĩ giáo dục là đầu tư dài hạn.  Giáo dục nhằm vào con người: trí tuệ, tình cảm, tính tình. Mà con người chỉ có thể là một diễn trình chỉ chấm dứt khi con người ấy yên nghỉ dưới ba tất đất.

Cho nên chúng tôi thống nhất trong cái nhìn huấn luyện nghề. Ở các trường kỷ thuật lúc bấy giờ, các nghề mộc, tiện,.. đều  được qui định huấn luyện bao nhiêu giờ. Một sinh viên vào trường Võ Bị Thủ Đức, sau 11 tháng ra trường là một ông Thiếu Úy. Mục tiêu của trường Nông Lâm Súc hay Sư Phạm là trang bị cho học viên một cái nghề: cán sự hay kỹ sư Nông Lâm Súc hoặc giáo sư đệ nhất cấp hay đệ nhị cấp.

Nói chung, huấn luyện là có lớp có lang, bài bản rõ ràng, hết bài bản là ra nghề, quen thuộc với một số thao tác, hành vi, để từ đó không ngừng cải thiện tài khéo, tùy duyên mà đổi mới cách nghĩ, cách làm, mở rộng và đi sâu vào nghề nghiệp.

Trang bị phòng thí nghiệm, hay xưởng máy, hay nông trường, trại chàn nuôi thực tập cho sinh viên rất tốn kém. Thiết nghĩ phải kết nghĩa với một đại học Mỹ hay Pháp, hay Canada, hay Úc. Cũng nên ghi: Từ nghĩ đến thực hiện thường có một khoảng cách khá rộng.

Tôi còn muốn việc huấn nghệ có những điểm đặc thù,  thí dụ của Trường Nông Lâm Súc có tác động gì với việc trồng trọt, chăn nuôi, và lâm sản địa phương. Chỉ bao nhiêu đó thôi, tôi đã lung túng. Tôi cũng nghĩ bất cứ ai cũng lung túng như tôi. Lúng túng đó là thách đố cho tôi. Tôi phải tìm học, không ở sách vở mà ở môi trường. Tôi phải lên Tây Ninh, cùng với giáo sư và sinh viên tôi khảo sát môi trường, cách trồng lạc, khoai sắn, hột điều (đào lộn hột), cách chăn nuôi, khai thác lâm sản, và thị trường. Miệt ấy, người ta dung máy John Deere của Mỹ, máy Kubota của Nhật không dùng được vì quá yếu,.. Nói chung, tôi phải biết nhu cầu của địa phương. Tôi phải tìm cho ra những sắc thái đặc thù cho hai trường Nông Lâm Súc và Sư Phạm Cao Đài của tôi.

Tôi nói khai phá là như vậy đó: là đi vào những vấn đề, mà giờ đây chưa có một ai biết được.

Khai phá cũng có thể hiểu là tôi phải trang bị các phòng thí nghiệm, chỉ nói cho khoa học cơ bản mà thôi, từ A đến Z. Và không những chỉ có vậy, phải biến các phòng ốc thành phòng thí nghiệm, có điện, có nước, có chỗ cho sinh viên thực nghiệm. Và nếu người thợ thi công, hoặc ông thầu thi công làm công quả, làm chùa, thì thúc hối cho hoàn tất, kịp thời thì quả là một điều rất tế nhị. Rồi đến nông trường, trại chăn nuôi, chuyện làm không bao giờ dứt.



Tóm lại, tinh thần khai phá nói ở đây là tinh thần chấp nhận thách đố, chấp nhận hiểm nguy. Trong khai phá có phiêu lưu, có những sự việc mà đến bất ngờ không lường trước được. Nhưng khai phá không trùng nghĩa với phiêu lưu. Có người nghĩ phiêu lưu là đùa giởn với số mạng, giao mình cho may rũi, được thua do thiên mạng.

Ở đây, khai mở một viện đại học mới, một môi trường giáo dục mới, mà bao quanh tôi là những nhà tu hành, phẩm hạnh cao. Cho nên khai phá trong bối cảnh nầy bao hàm ý thức trách nhiệm.  Riêng tôi, tối thiểu là tôi trách nhiệm đối với các đồng nghiệp, đồng sự mà nhận lời mời, hay 'rủ rê' dấn thân vào công trình chung, và nhất là đối với sinh viên của tôi.

Vì vậy, mà có lắm điều, tôi vấn hỏi anh Lộc.  Giờ, không nhớ hết được, chỉ ghi lại đôi điều như trên đây. Nhờ vậy mà ý thức được cái biết của mình thì giới hạn, mà cái dốt của mình thì vô cùng.


Cũng nhờ vậy mà lăn xả vào việc, không ngại khó, không ngại gian nan, không ngừng học hỏi,  tôi luyện khả năng, tài khéo (skills), trí tuệ và tính tình. Đó cũng là xem đổi thay là đương nhiên, cuộc sống là một giòng chảy không ngừng đổi mới,

Thiết nghĩ, đông đảo bạn bè tôi chia xớt quan điểm nầy.

Và nhìn lại, tôi có nhiều may mắn.

Nguyn Văn Trường
Quyn Vit trưởng ViĐại hc Cao Đài Tây Ninh 1974-1975
Houston - 12/2017


No comments:

Post a Comment