Saturday, May 25, 2024
Một câu hỏi ngớ ngẩn
Sáng nay 25/5/2024, như thường lệ người viết đi xuống nhà mở TV xem tin tức. Một xướng ngôn viên của Đài NBC đang đọc tin tức thời tiết trong ngày:”Nhiệt độ hôm nay lúc 3pm “cực kỳ” nóng lên tới 92oF…Nhưng so với cách đây 11 năm năm, cũng vào ngày nầy nhiệt độ nóng nhứt là 97oF, hậu quả của sự thay đổi khí hậu!”.
Thực sự, sau khi nghe những lời trên, người viết tự hỏi:”Hậu quả của sự thay đổi khí hậu phát xuất hay bắt đầu từ lúc nào? Hôm nay? Hay 11 năm về trước? Hay từ thế kỷ trước?”.
Mặc dù cũng có một ít vốn kiến thức về sự thay đổi thời tiết của quả địa cầu theo thời gian, trái đất có lúc nóng lên, cũng có lúc “mát” lại, người viết trong hơn 40 năm qua, cũng thấy được sự thay đổi nầy, nhiệt độ bầu khí quyển … có trồi, có sụt; nhưng khi đưa đến “kết luận” (hay giả thuyết) là đến năm 2100 nếu con người không giảm sự phát thải khí carbonic (CO2) trở về định mức của năm 1995, nhiệt độ không khí sẽ tăng thêm 2oC và thế giới sẽ đối diện trước một hiểm họa toàn cầu.
Cũng như một kết luận hết sức chắc nịch của một số nhà khoa học của Nhóm Globalist đang khuynh đão thế giới bằng cách cổ súy, tuyên truyền và áp đặt ảnh hưởng bằng những luật lệ về môi trường là:”Nếu nồng độ của khí carbonic trong bầu khí quyển đạt đến 400 mg/m3 thì thế giới sẽ có xáo trộn.” Nhưng vào năm 2019, đài thiên văn ở Hawai đo được nồng độ trên lên đến 419 mg/m3… nhưng gần 8 tỳ nhân mạng đang sống trên thế giới vẫn sinh hoạt như bình thường… ngoại trừ những người già yếu hay bịnh hoạn!
Như vậy, sự thay đổi khí hậu có thật hay không?
Câu trả lời là CÓ.
Nhưng sự “CÓ” nầy chỉ là một chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên, chu kỳ ấm và chu kỳ lạnh. Mỗi chu kỳ kéo dài hàng chục thế kỷ… Một vài biến động bất thường như thời tiết lạnh quá xảy ra trong chu kỳ ấm, hay những lúc nhiệt độ tăng cao hàng 100oF trong chu kỳ lạnh…chúng ta có thể xem như là những lúc trái gió trở trời của trời đất mà thôi.
Hy vọng những suy nghĩ bất chợt trên sẽ mang lại cho Bà Con một nụ cười mỉm chi cọp ngày thứ bảy!
Người có biệt danh Anh Ba Da Cam
Friday, May 24, 2024
Dự án kinh đào Funam Techo của Cambodia
Dự án kinh đào Funan Techo, ước tính trị giá khoảng 1,7 tỷ USD, là một kinh đào nhân tạo nối các cảng biển của Cambodia ở phía Tây Nam với sông Mekong. Theo tin tức từ phía Cambodia, kênh dài 180km đi qua 6 tỉnh với tổng số dân 1,6 triệu người sinh sống hai ven bờ sông. Theo thiết kế, kinh FunanTecho sẽ rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ lưu và có độ sâu là 5,4m.
Kênh Funan được cho là sẽ tạo ra một tuyến đường thủy nối thủ đô Phnom Penh với bờ biển và quan trọng hơn là cảng nước sâu duy nhất của Campuchia tại hải cảng Ream thuộc tỉnh Kep, cách Hà Tiên 50 Km. Dự án lớn này nằm trong số các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên được chính phủ Hun Manet ban hành kể từ khi nhậm chức vào tháng 8/2023.
Nghiên cứu khả thi của dự án hiện đã được hoàn thành và chính phủ Cambodia ước tính sẽ mất 4 năm để xây dựng. Đây là dự án cơ sở hạ tầng mới nhất do TC tài trợ và thực hiện qua thỏa thuận ngày 11/10/2023 giữa ông Sun Chanthol, Đệ Nhất Phó Thủ Tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng Phát triển Cam Bốt – và ông Chu Dũng (Zhou Young), đại diện Công ty Cầu Đường TC/ CRBC - China Road and Bridge Corporation về Dự án Đường Thủy Tonle Bassac và Hệ Thống Hậu Cần - The Tonle Bassac Navigation and Logistics System Project, tại Pnom Penh.
Việc xây dựng kinh dự kiến sẽ giảm đáng kể chi phí vận tải, ước tính tiết kiệm khoảng 170 USD cho một container 20 feet và 223 USD cho một container 40 feet, tương đương với việc giảm 16% tổng chi phí vận chuyển. Hiệu quả chi phí này sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn cho người tiêu dùng, vì chi phí vận chuyển thấp hơn có thể dẫn đến các sản phẩm có giá cả phải chăng hơn.
Không còn nghi ngờ gì nữa, do kết nối đường thủy về cơ bản đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, nó cho phép tiếp cận các nguồn tài nguyên, thương mại và vận tải. Theo nghiên cứu của chính phủ Cambodia, tỷ suất hoàn vốn nội bộ của nền kinh tế dao động trong khoảng từ 20% đến 31%, cho thấy tiềm năng sinh lời cao và sự phát triển kinh tế đầy hứa hẹn. Ngoài ra, kinh đào sẽ có tác động sâu rộng, thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp, thúc đẩy dây chuyền sản xuất và tăng cường chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực then chốt, đặc biệt là nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản.
1. Dự án Kinh đào Funan Techo
Sự hình thành dự án bắt nguồn từ TT Hun Sen trước khi ông nhường ngôi vị Thủ tướng cho con là Hun Manet. Ngày 19/5/2023, Hunsen trong một cuộc họp nội các đưa ra quyết định về “Dự án Đường Thủy Tonlé Bassac và Hệ Thống Hậu Cần” và ngay sau đó, dự án được toàn thể Quốc hội Cambodia thông qua ngày 07/06/2023, với việc thành lập Ủy Ban Liên Bộ để thực thi dự án Kinh đào Funan Techo.
Tiếp theo, vào ngày 8/8/2023, Chính phủ Cambodia thông báo cho Ban Thư ký Ủy Hội Sông Mekong – Mekong River Commission - MRC về Dự án Kênh đào Funan Techo, ngay khi Manet lên nắm quyền. Cambodia đã thông báo cho Ban Thư ký Ủy ban sông Mekong, một cơ quan giám sát khu vực, về kế hoạch xây dựng một con kênh “trên dòng phụ của sông Mekong” và cho biết tác động sẽ chỉ giới hạn ở “bụi trong không khí và tiếng ồn” từ công trường.
Tuy nhiên, TS Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, D.C., lập luận rằng: dựa trên các bản đồ do chính quyền Cambodia đệ trình lên MRC, là không thể phủ nhận việc kinh đào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chính của sông Mekong và tác động đó sẽ lớn hơn nhiều so với những gì Cambodia tuyên bố.
Theo bản đồ trình lên Ban Thư ký Ủy ban sông Mekong, dự án Kinh đào Funan sẽ đi qua cộng đồng trong hình kèm theo, ở tỉnh Kandal, dọc theo sông Bassac. Chính quyền địa phương và người dân cho biết họ đã nhận được thông tin trái ngược nhau về tuyến đường được đề xuất. Nhưng thực sự, theo sơ đồ của dự án, kinh đào bắt đầu từ dòng chính của sông Mekong trước khi chia hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, nghĩa là kinh đã chuyển nước từ dòng chính, làm giảm thiểu lưu lượng nước vào Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn tai nguyên nước chính tại nơi đây. Đây chính là điểm mấu chốt của vấn đề.
Cũng theo ông Brian Eyler, dự án kinh đào Funan Techo có thể tạo ra những tác động môi trường và xã hội cho Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng "không theo cách đang được thảo luận rộng rãi tại Việt Nam". Ông tiếp qua phỏng vấn của đài RFA:” Nếu các thông số sơ bộ trước đây được đăng trên tờ Khmer Times là chính xác thì con kênh này sẽ nối dòng chính sông Mekong với đại dương ở Kep chứ không chỉ sông Bassac. Dự án kênh đào này sẽ bắt đầu tại Prek Takeo, cách Phnom Penh khoảng 30 km về phía hạ lưu trên sông Mekong. Sau đó nó giao với sông Bassac cách Phnom Penh khoảng 60 km về phía hạ lưu. Từ đó nó băng qua vùng đồng bằng ngập nước rộng lớn ở tỉnh Takeo và cuối cùng gặp biển ở tỉnh Kep. Kênh đào sẽ đóng một vai trò quan trọng có tính chiến lược đối với Campuchia. Vì nó sẽ cho phép vận tải và hàng hóa di chuyển từ đại dương đến Phnom Penh và các điểm ở giữa, đồng thời giúp Campuchia tránh tuyến đường thủy đi qua Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Hiện tại, tất cả các tuyến vận chuyển đường biển lớn đến và đi từ Cambodia đều phải đi qua Việt Nam khoảng 200 km. Tàu bè hiện được tự do đi lại mà không bị đánh thuế, nhưng kinh đào mới sẽ mang lại cho Cambodia quyền tự do tiến hành thương mại xuyên đại dương từ các khu công nghiệp nội địa mà không bị cản trở. Tính toán đơn giản cho thấy nó sẽ cần ít nhất 77 triệu mét khối nước để lấp đầy kinh Funan khi nó hoàn thành. Nước sẽ được chuyển từ dòng chính sông Mekong và sông Bassac. Điều quan trọng là sông Bassac là một phần của hệ thống sông Mekong. Sông Bassac là nhánh phân lưu lớn nhất của sông Mekong, tách ra khỏi dòng chính sông Mekong tại Phnom Penh. Lấy thêm nước ra khỏi sông Bassac và dòng chính sông Mekong có thể sẽ hạ thấp mực nước sông Mekong tại Phnom Penh với một lượng không xác định.” Nên nhớ, sông Bassac khi chảy vào Việt Nam được gọi là sông Hậu, đi qua các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh.
Theo Hiệp định Mekong năm 1995, các dự án ảnh hưởng đến dòng chính phải được MRC “đánh giá kỹ thuật,” nhận ý kiến đóng góp từ các quốc gia thành viên bao gồm Việt Nam, cũng như Lào và Thái Lan. Ban Thư ký MRC có cho biết là họ đã “yêu cầu và đang chờ thêm thông tin từ Cambodia”.
Trong cuộc viếng thăm chính thức Hà Nội ngày 11/12/2023, Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet đã giải thích cho người đồng cấp Việt Nam Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng Dự án Funan Techo sẽ không ảnh hưởng tới hệ thống dòng chảy sông Mekong.
Hình ảnhThủ tướng Campuchia Hun Manet gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hà Nội hôm 11/12/2023
Ngày 09/04/2024: Cựu Thủ tướng Hun Sen, hiện là Chủ tịch Thượng Viện Cambodia đã lên tiếng phủ nhận con kinh Funan Techo sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự TC từ Căn cứ Hải Quân Ream ở tĩnh Kep đi lên dòng sông Mekong. Vào năm 2023, các quan chức Cambodia phủ nhận việc xây cầu tàu mới dài 363m tại Ream nhằm mục đích làm nơi neo đậu cho hàng không mẫu hạm. Chính điều nầy làm cho thế giới nghi ngờ thêm về lợi ích kinh tế và quân sự trong âm mưu năm trong chính sách One Belt - One Road của TC mà Cambodia là kẻ tiếp tay. Ông viết trên Diễn Đàn X: “Tại sao Cambodia lại đưa quân TC vào đất nước của mình, điều đó vi phạm Hiến Pháp. Và tại sao TC lại đem quân vào Cambodia, đi ngược với nguyên tắc tôn trọng sự độc lập của Cambodia.”
2. Phản ứng của Việt Nam
Việt Nam hôm 11/4/2024 lên tiếng kêu gọi Cambodia chia xẻ tin tức về dự án kinh đào Funan Techo, trong một động thái cho thấy mối lo ngại của Hà Nội, tương tự như Washington, về khả năng dự án cơ sở hạ tầng mới nhất do TC hậu thuẫn ở Cambodia có thể được xử dụng cho mục đích quân sự. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nói trong cuộc họp báo trên rằng:“Việt Nam rất quan tâm đến dự án kinh Funan Techo và cũng đã đề nghị phía Cambodia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong Quốc tế trong việc chia xẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình nầy đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực”,
Ông Việt nói thêm rằng Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các nước sông Mekong, nhưng “cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để quản lý và xử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong” vì sự phát triển bền vững của lưu vực, lợi ích của các cộng đồng người dân, tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết giữa các quốc gia ven sông.
Về phía Washington cũng kêu gọi Cambodia minh bạch hơn về dự án kinh đào mà một số nhà quan sát cho rằng có thể được xử dụng để tăng cường sự hiện diện quân sự của TC tại quốc gia Đông Nam Á, gây ra mối đe dọa an ninh tiềm tàng cho các nước láng giềng trong khu vực như Việt Nam, theo Bloomberg.
Việc bang giao giữa hai Việt – Miên ngày càng căng thẳng khi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế thông báo sự hiện diện của hai tàu chiến TC từ tháng 12/2023 ở cảng sâu Ream.Các quan chức Campuchia nhiều lần phủ nhận để cho bất kỳ thế lực nước ngoài nào xử dụng căn cứ gần thành phố cảng Sihanoukville.
Mãi cho đến nay, Việt Nam vẫn tiếp tục “năn nỉ:” Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 6/5 tiếp Phó Thủ tướng Campuchia Neth Savoeun nhân dịp ông sang Việt Nam dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong bối cảnh hai nước lời qua tiếng lại về kinh đào Funan Techo. Trong cuộc gặp, Mạng thông tin chính phủ (VGP News) dẫn lời ông Chính nói rằng Việt Nam “mong muốn cùng Cambodia và các quốc gia trong lưu vực sông Mekong hợp tác chặt chẽ trong các hoạt động xử dụng, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững dòng sông Mekong trên cơ sở Hiệp định Mekong và các quy định của Ủy hội sông Mekong Quốc tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông vì sự phát triển bền vững của lưu vực, lợi ích của cộng đồng người dân trên lưu vực”.
Cũng cần nên nhớ, sau khi Cambodia dỡ bỏ các cơ sở tại căn cứ, vốn được xây dựng một phần bằng nguồn tài trợ của Mỹ trước năm 1975 và cũng là nơi tổ chức các cuộc tập trận quân sự của Mỹ trước đây, TC bắt đầu tài trợ cho việc cải tạo căn cứ này.
Ngày 23/4/2024, lần đầu tiên Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam đã tổ chức tại thành phố Cần Thơ một Hội thảo về ‘Dự án Kinh đào Funan Techo’. Ở đây có hai tiêu điểm thảo luận quan trọng đã được Hội nghị nhấn mạnh là cần nghiên cứu kết quả thực hiện ‘Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới’ (gọi tắt là TbEIA), cùng với việc xem xét kết quả thực hiện ‘Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận’ (Viết tắt là PNPCA) của Ủy hội Mekong quốc tế (MRC) đối với dự án nói trên. Về phía Việt Nam luôn ủng hộ, vui mừng và đánh giá cao về những thành tựu Cambodia đã đạt được trong thời gian qua. Đối với dự án kinh đào Funan Techo, Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Cambodia theo tinh thần của Hiệp định Mekong 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước”.
Thật ra, nghiên cứu tác động môi trường (TbEIA) và tiến hành thủ tục thông báo (PNPCA) đáng ra đã phải được gióng lên như là những hồi chuông báo động ngay từ cách đây hàng năm trời, lúc Cambodia bắt đầu công khai rộng rãi cho các cơ quan liên đới. Bởi vì, về thực chất, nếu dự án Funan Techo được tiến hành như dự tính, thì đấy là chiếc đinh cuối cùng ‘đóng vào quan tài’ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo nhận định của TS Brian Eyler, một chuyên gia về Tiểu vùng sông Mekong ở Stimson Center, nói với RFA.
Gần đây nhứt, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 5/5 tiếp tục lên tiếng thúc giục Cambodia phối hợp chặt chẽ và chia xẻ thông tin với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong để đánh giá đầy đủ tác động của dự án cơ sở hạ tầng do TC hậu thuẫn ở Cambodia.
3. Quan ngại từ các nhà khoa học
Đài BBC đã nhận được ý kiến từ một số nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, bày tỏ quan ngại về dự án kinh đào Phù Nam Techo, nhứt là tác tác động về môi trường. Ông Brian Eyler mới đây chia sẻ với BBC News tiếng Việt rằng cần phải dừng dự án này cho đến khi có những đánh giá đầy đủ về tác động kinh tế và môi trường đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Các tác động thật sự sẽ làm giảm dòng chảy từ Cambodia về Việt Nam qua vùng đồng bằng bồi đắp và có thể làm sụt giảm lượng nước hiện có một cách nghiêm trọng ở Cambodia, phía nam kênh đào và đồng thời tại các tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Nhà nghiên cứu độc lập Rim Sokvy, Cambodia, nói rằng trong chuyến thăm của ông Hun Manet đến Việt Nam, Cambodia đã trình bày kết quả của nghiên cứu về kinh đào Phù Nam Techo đến Việt Nam. Nghiên cứu này không cho thấy tác động về môi trường đối với sông Mekong. Nếu kết quả nghiên cứu mà phía Việt Nam khác với Cambodia thì điều này có thể khiến Việt Nam thách thức Cambodia liên quan đến dự án này, ông Rim Sokvy nói.
4. Vai trò của Ủy hội Sông Mekong
Ủy hội Sông Mekong – Mekong River Commission thay thế Ủy ban Sông Mekong – Mekong River Committee (1957-1976) và Ủy ban Lâm thời Mê Công – Mekong River interim Committee (1978-1992), được thành lập sau khi ký kết Hiệp định Mekong năm 1995 về “Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong”.
Ủy hội sông Mekong quản lý việc phân bổ và xử dụng nước sông Mekong của bốn quốc gia Thái Lan, Cambodia, Việt Nam và Lào. MRC được thành lập năm 1995 theo Hiệp định và Thủ tục Sông Mekong 1995 – 1995 Mekong Agreement Procedures, gọi tắt là Hiệp định Mekong 1995 được ký và có hiệu lực tại Chiang Rai, Thái Lan vào ngày 5 tháng 4 năm 1995. Ngày 5 tháng 4 năm 2010, nguyên thủ các nước Thái Lan, Cambodia, Việt Nam và Lào gặp nhau tại Hua Hin, Thái Lan trong Hội nghị thượng đỉnh MRC đầu tiên kỷ niệm 15 năm thông qua Hiệp định Mekong 1995. Các bên đã thông qua tuyên bố chung, Tuyên bố Hua Hin tái khẳng định cam kết của họ trong việc thực hiện Hiệp định 1995.
Hiệp định năm 1995 là kết quả của hơn 40 năm nỗ lực cấp khu vực và siêu khu vực nhằm quản lý tài nguyên của Đồng bằng sông Cửu Long. HIệp định sông Mekong 1995 là tiền đề và là mốc thảo luận cho tất cả vấn đề liên quan đến sông Mekong của Ủy hội sông Mekong. Hiệp định này bao gồm một số nhiều điều khoản, trong đó việc các thành viên cam kết sử dụng nước trên lưu vực một cách hợp lý, công bằng.
Trong Điều 3. Có ghi rõ các lĩnh vực trọng tâm của quản lý rủi ro về mất mát và thiệt hại liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu Đối với các quốc gia thành viên, mục đích là hỗ trợ các cơ quan lập kế hoạch quốc gia hiểu và đánh giá các tác động dự kiến của biến đổi khí hậu, các tương tác với sự phát triển nhanh chóng và các nhu cầu/phạm vi thích ứng phù hợp với lưu vực sông Mekong. Phương pháp ước tính tổn thất và thiệt hại cũng như các công cụ được phát triển được ưu tiên giải quyết các vấn đề có tính chất xuyên biên giới và ảnh hưởng đến các nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Các yếu tố chính để thực hiện là:
• Giám sát biến đổi khí hậu ở hạ lưu vực sông Mekong và các tác động đến tình trạng độ sâu bao gồm mực nước biển dâng và xâm nhập mặn;
• Giám sát tình trạng thích ứng và thiệt hại;
• Phát triển các công cụ dự đoán chung về những thay đổi thủy văn trong chế độ sông do khí hậu và các kịch bản phát triển;
• Phát triển thông tin dự báo ngắn hạn và dài hạn về lũ lụt và hạn hán;
• Thu thập và đối chiếu các công cụ và dữ liệu tác động bao gồm thiệt hại do lũ lụt/hạn hán, thủy sản, tác động xã hội và môi trường;
• Thực hiện các nghiên cứu trên toàn lưu vực để giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực và thay đổi sinh thái có thể xảy ra do biến đổi khí hậu;
• Xây dựng năng lực ở các nước thành viên để đánh giá tác động và tình trạng dễ bị tổn thương của biến đổi khí hậu, xử dụng các công cụ sẵn có cũng như hỗ trợ và thí điểm các phương án thích ứng;
• Thúc đẩy hợp tác và cung cấp thông tin chất lượng cao để lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chính sách phát triển;
• Tương tác và trao đổi thông tin với các bên liên quan;
• Chuẩn bị và thống nhất chiến lược thích ứng với sự biến đổi khí hậu và phân tích liên quan để hỗ trợ lập kế hoạch phát triển lưu vực;
• Cơ quan đầu não quốc gia về biến đổi khí hậu và cơ quan chủ quản quốc gia thuộc các lĩnh vực trọng điểm của MRC: - Các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế; - Khu vực riêng tư; - Chính quyền và cộng đồng địa phương; - Các tổ chức có năng lực và chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực Mekong;
• Các đối tác phát triển hỗ trợ CCAI thông qua hợp tác tài chính và kỹ thuật;
Và trong Điều 7. Các hoạt động, kết quả chính cho đến nay:
• Giám sát Khí hậu, Thủy văn và Thích ứng;
• Báo cáo thường xuyên về hiện trạng biến đổi khí hậu và thích ứng ở lưu vực sông Mekong;
• Dữ liệu thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình hóa tác động và hệ thống hỗ trợ quyết định;
• Nghiên cứu trên toàn lưu vực về Tác động của Khí hậu đến lũ lụt, hạn hán và các chiến lược thích ứng;
• Nghiên cứu trên toàn lưu vực về tác động của Biến đổi khí hậu đối với An ninh lương thực và Hệ sinh thái;
• Chuẩn bị chiến lược thích ứng.
Tuy nhiên, Hiệp định cũng có các lưu ý, bao gồm:
• Các thành viên MRC không có quyền phủ quyết (veto) dự án của các nước thành viên.
• Uỷ hội Sông Mekong không có thẩm quyền về mặt pháp lý ra quyết định chống lại một nước thành viên.
• MRC có quyền bắt buộc các nước có dự án khai thác nước trên dòng chính sông Mekong phải cung cấp đầy đủ thông tin về các tác động của dự án.
• Những tin tức này có thể được cộng đồng xử dụng để vận động việc nghiên cứu thêm các tác động xuyên quốc gia hoặc dừng dự án. Điều nầy cũng chỉ là “một đề nghị” chứ không có tính cách chung quyết.
Như vậy, qua Hiệp định Mekong 1995, không còn quyền phủ quyết của một thành viên phản đối các dự án xây dựng trên dòng chính của sông Mekong như dưới “thời” Ùy ban Sông Mekong – Mekong River Committee trước năm 1995 nữa. Và Việt Nam chỉ đành bó tay mà thôi, không có hy vọng gì kiện Cambodia trong dự án kinh đào Funan Techo của nước nầy ra Tòa án Quốc tế được.
5. Thay lời kết
Kênh đào Funan Techo có chiều dài 180 km, nối cảng sông Phnom Penh với vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia, đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep. Kênh được dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2024 và sẽ đi vào hoạt động vào năm 2028. Chính phủ Cambodia cho biết kinh đào sẽ giúp phục vụ giao thông thủy nội địa. Ngay đầu nguồn của con kinh thuộc tỉnh Kandal sẽ nối liền với đầu sông Bassac, tức là sông Hậu có độ cao trung bình không quá 10 mét so với mực nước biển. NHư vậy, Kinh Funan sẽ dần nước từ hai nguồn chính: - Từ dòng chính cùa sông Mekong và từ sông Bassac. Chúng ta thừ hình dung… sẽ còn bao nhiêu lượng nước còn lại của sông Mekong để đổ về sông Tiền và sông Hậu. Theo ước tính cần phải chuyển 77 triệu thước khối nước mới làm đầy chiều dài 180 km của con kinh.
Như vậy, câu hỏi được đặt ra là:
Thực sự, chủ đích của việc xây dựng kinh đào trên là gì?
Ai đứng đằng sau lưng và chống lưng cho Cambodia về kỹ thuật và nguồn vốn?
Nói về căn cứ quân sự Ream, nằm cách đảo Phú Quốc của Việt Nam chỉ khoảng 30 km, và cách Hà Tiên 50 km, Bộ Quốc phòng Cambodia thường xuyên bác bỏ, nhấn mạnh Điều 53 của Hiến pháp có nội dung ngăn cấm Cambodia cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, các tuyên bố của ông Hun Sen và ông Hun Manet không khiến các nước phương Tây, cụ thể là Mỹ, và cả Việt Nam bớt đi quan ngại về khả năng Ream có thể trở thành một tiền đồn nước ngoài của TC.
Căn cứ Ream từng là khu vực huấn luyện hải quân chung giữa Mỹ và Cambodia. Tuy nhiên, tháng 10/2020, chính phủ Phnom Penh cho đập phá các cơ sở được Hoa Kỳ xây trước đó ở Ream. đã được TC tài trợ mở rộng và khánh thành vào tháng 06/2022. Đây là một căn cứ có vị trí chiến lược bên bờ vịnh Thái Lan, ngang nhiên trở thành tiền đồn của TC tại khu vực nam Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền đến 80%.
Phản ứng mới nhất từ phía Mỹ liên quan đến Ream là từ ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ là vào ngày 7/3 rằng:”Hoa Kỳ và một số quốc gia trong khu vực đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về mục đích, tính chất và phạm vi xây dựng xung quanh căn cứ hải quân Ream, cũng như vai trò của quân đội TC trong quá trình này và trong việc xử dụng cơ sở này trong tương lai". Và thời gian gần đây, đã có ít nhất hai tàu chiến Trung Quốc xuất hiện tại căn cứ quân sự Ream của Campuchia.
Lần gần nhất là vào ngày 20/3, theo hình ảnh trang mạng Nikkei Asia có được thì con tàu cập cảng ở Ream có thể là tàu hộ vệ Văn Sơn, mang quốc kỳ TC và cờ của Lực lượng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA). Cũng như, trước đó, vào ngày 3/12/2023, trên Facebook, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha, cùng với cha mình là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh, đã chia xẻ thông tin và hình ảnh chuyến thăm các tàu chiến của TC cập căn cứ Ream.
Một số chuyên gia nhận định bước đầu với BBC News tiếng Việt về Ream, nếu TC có thể tiếp cận hoặc thiết lập cơ sở hạ tầng tại căn cứ quân sự này, Bắc Kinh sẽ tiến hành do thám dễ dàng các nước lân cận Cambodia gồm Thái Lan, Việt Nam, Philippines.
Và quan trọng hơn, trong kịch bản TC tiếp cận độc quyền được Ream, Việt Nam sẽ bị lập thế bao vây ba mũi gồm từ biên giới phía bắc, từ Biển Đông với các đảo nhân tạo mà TC đã tôn tạo và nắm quyền kiểm soát và vùng biển Tây Nam. Như vậy, hai câu hỏi đặt ra đã được các chuyên gia thế giới đã gián tiếp trả lời qua những nhận định xác thực trên.
Tàu huấn luyện hải quân Thích Kế Quang (Qijiguang) và tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan) sẽ tham gia huấn luyện với học viên hải quân tại hai nước Cam Bốt và Đông Timor để "tăng cường sự tin cậy lẫn nhau".
Căn cứ hải quân Ream của Cambodia. Ảnh chụp ngày 26/7/2019.
Tàu Tỉnh Cương Sơn có khả năng chứa nhiều tàu đổ bộ loại nhỏ, máy bay trực thăng, xe bọc thép và khoảng 1.000 quân nhân. Tàu Thích Kế Quang là tầu huấn luyện quân sự có công nghệ tiên tiến nhất của Trung Cộng
Đích thực, dự án kinh đào Funan Techo chính là âm mưu thôn tính con đường xuôi Nam của TC cả đường biển, đường sông và đường bộ qua Sáng kiến Vành đai và Con Đường – One Belt – One Road Initiative – BRI. Cũng cần nên nhớ, Quốc lộ 13 đã nối liền Côn Minh, Vân Nam xuyên qua Lào từ Bắc xuống Nam; và tiếp theo là Quốc lộ 7 từ biên giới Miên – Lào đến tận Sihanoukville đã hoàn thành từ thập niên 2010. Quốc lộ 9 bắt đầu từ Cửa Việt đã được “nới rộng” xuyên qua Savannakhet, thông đến tận hải cảng bên bờ Tây của Thái Lan là Mawlamyine, lòng sông Mekong đã được nạo vét cho đến tận biên giới tỉnh Vân Nam nhằm thích ứng cho các tàu dầu có trọng tải 3.000 tấn lưu thông. Tất cả các cọng trình trên đã hoàn tất vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước.
Phải chăng tất cả những công trình trên chì nhằm một mục đích duy nhứt là chuyển vận dầu hỏa cung cấp cho tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên với nhu cầu 1.000.000 thùng dầu/ngày, thay vì phải chuyên chở bằng xe vận tải từ duyên hải phía đông của TC?
Phải chăng vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại một kho đạn của Quân khu 3, tỉnh Kampong Speu, Cambodia chiều 27/4/2024 khiến ít nhất 20 binh sĩ và sĩ quan thiệt mạng và một số khác bị thương cùng cung cách chia buồn của TT Phạm Minh Chính ngay sau đó…đã báo hiệu cho thấy những xung đột quân sự ở biên giới Việt – Miên trong tương lai phảng phất hình ảnh mờ mờ ảo ảo của người khổng lồ phương Bắc!
Như vậy, bài toán Kinh đào Funan Techo của Cambodia đã hé lộ giải đáp và bóng dáng TC trong âm mưu thôn tính vùng Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là trọng tâm chính?
Phải chăng Việt Nam sắp sửa được mang tên mới là … Quảng Nam hay Nam Việt?
Mai Thanh Truyết - Houston 5/2024
Subscribe to:
Posts (Atom)